http://www.vnuspa.org
Máy Ảnh Rolleiflex Song Kính



II. MÔ-TẢ VỀ CHIẾC MÁY ROLLEI SONG KÍNH.

Rolleiflex song kính là kiểu máy hình khối chữ nhật, cao khoảng 13.5 cm, 9 cm x 9.5 cm.

Ðặc-điểm chính yếu của máy Rollei là máy có hai ống kính, vì vậy có tên là "Rollei song kính" (TLR = Twin Lens Reflex = song kính phản chiếu) : ống kính dưới có nhiệm-vụ thu nhận hình ảnh vào mặt phim, gọi là "ống kính chụp"; ống kính trên có nhiệm-vụ đem hình ảnh qua đó, gặp tấm gương phản-chiếu 45 độ, đưa hình ảnh trình lên một "tấm kính mờ" ở phần trên của máy, gọi là "ống kính nhắm".

Về ống kính của máy Rollei, xin xem mục III dưới đây.

Màng trập (2) của Rollei là màng trập danh tiếng nhất của Ðức như : Compound, Compur, Compur-Rapid, Synchro-Compur... Màng trập là những lá thép thật mỏng xếp vòng tròn theo một cái niềng, đóng mở theo thời-gian nhất-định (nhanh hay chậm tùy nhiếp-ảnh-gia chỉnh, thí-dụ 1 giây, 1/ 2 giây, 1/ 4 giây... 1/ 500 giây); khẩu-độ mở lớn hoặc nhỏ (còn gọi là quang-khẩu... cũng do nhiếp-ảnh-gia chỉnh, thí-dụ f/ 3.5, f/ 5.6... f/ 11, f/ 16); điều khiển bằng lò-so, răng ốc... chính-xác và tinh-vi như cơ-phận đồng hồ.

Màng trập "Compound" và "Compur" trang-bị cho các máy Rollei sản-xuất khoảng trước 1940, tốc-độ nhanh nhất chỉ tới khoảng 1/ 300 giây, gắn vào các máy Rollei Stereo, gọi là màng trập "Stereo Compound" và những máy Rollei sản-xuất ở thời-gian đầu.

Màng trập "Compur-Rapid" trang-bị cho các máy Rollei trong khoảng 1940-1950, tốc-độ nhanh nhất lên đến 1/ 500 giây. Màng-trập còn có tốc-độ B (màng trập mở khi ta bấm và giữ nút bấm, khi buông tay màng trập mới đóng), T (bấm máy, màng trập mở, bấm lần thứ nhì, màng trập đóng) và V (hoặc ST = self-timer, để ta có thể bấm máy, chạy ra đứng trước máy để tự chụp, khoảng 10 giây sau màng trập đóng).

Màng trập Synchro-Compur có cơ-phận tương-hợp flash M (magnesium) mỗi lần chụp ta phải thay một bóng đèn và X (electronic, điện-tử), do đó được chỉ-danh là màng trập "Synchro-Compur MX". Màng trập Synchro-Compur MXV là màng trập có thêm cơ-phận bấm chậm (V = ST = cơ-phận tự chụp = self timer).

Ta chỉnh khẩu-độ, tốc-độ máy ở riềm của màng trập (màng trập luôn luôn đặt tại ống kính chụp, nghĩa là ống kính dưới). Trong những ngày đầu, ta chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng cái lẫy (lever), sau này bằng bánh xe (wheel). Khẩu-độ và tốc-độ có thể đọc qua hai cửa sổ ở riềm "ống kính nhắm", từ trên nhìn xuống.

Muốn lắp phim, ta phải mở lưng máy bằng cách quay một cái lẫy dưới đáy máy, gỡ cái móc gài nơi đáy máy, mở ngược lưng máy lại phía sau, bật lên. Lắp phim vào lõi, đóng lưng máy, khoá lại. Ở những kiểu máy cũ, ta quay phim bằng tay quay cho đến khi nào thấy số "1" hiện lên ở cửa sổ tròn có miếng kính đỏ ở lưng máy thì ngưng. Sau này ta lắp phim luồn dưới cái cốt tròn nhỏ trong lòng máy, rồi đóng lưng máy, lên phim. Cốt nhỏ đó sẽ "cảm nhận" được khớp phim, tự đếm đến tấm số "1", trình ra ở cửa sổ đếm phim.

Mở nắp máy lên, ta thấy có 4 tấm kim-loại làm "lá chắn" che 4 phía cho tối "tấm kính nhắm" để ta nhìn thấy hình ảnh hầu bố-cục. Muốn lấy nét cho chính-xác, ta bật miếng kính phóng đại, (kính "lúp"; bạn ảnh tân-thời gọi là cái "kính chiếu yêu" !) và nhìn mọi vật cho rõ ràng, chỉnh cho sắc nét). Ðẩy phần bửng trước, chính giữa xuống, thì ta có khuôn nhắm trực-tiếp để chụp thể-thao, phóng-sự, hoạt-cảnh...

Khẩu-độ và tốc-độ của máy Rollei do màng trập điều-khiển. Với các kiểu máy cũ, ta chỉnh khẩu-độ và tốc-độ bằng một cái lẫy (lever) ở riềm ống kính, nấc thang khẩu-độ, tốc-độ khắc vào cái riềm tròn bao quanh ống kính chụp; cách này Anh, Mỹ gọi là "Rim set", nghĩa là chỉnh ở Riềm (màng trập). Sau này, khẩu-độ, tốc-độ chỉnh bằng bánh xe ở hai bên ống kính, đọc trị-số trong hai cửa sổ nhỏ, ở phía trên ống kính chụp.

Chỉnh xa gần bằng cách vặn một núm lớn bên hông trái của máy; đa số máy Rolleicord núm này ở phía hông bên phải. Ðối với những máy có quang-kế, thì bộ quang-kế gắn chung vào với núm chỉnh xa gần này. Máy Rolleicord không có quang-kế.

Lên phim, đối với các máy cũ, ta vặn bánh xe bên hông phải của máy, hoặc quay một tay quay bên hông phải (máy Rollei Baby và những máy Rolleiflex khoảng 1950 về sau này). Máy Rolleicord chỉ có bánh xe lên phim mà không kiểu nào có cần lên phim để tiết-kiệm, giữ cho giá hạ.

Nút bấm máy ở mặt trước máy, phía dưới, bên phải của "ống kính chụp". Có loại có khoá (để ta khỏi lỡ tay bấm nhầm), có loại không.

Khoảng trước 1955, máy Rollei không có quang-kế, từ 1955 về sau, một số có trang-bị quang-kế selenium (khá chính-xác; một số máy có bắt giây điện sẵn sàng trong máy, nhưng không gắn quang-kế selenium). Máy Rollei Magic (1960-1968) dùng quang-kế selenium tự-động chỉnh ánh sáng. Năm 1987, khi Rollei 2,8GX ra đời, máy được trang-bị tế-bào cảm-quang silicon blue, mồi bằng pin, đo sáng qua ống kính (TTL = Thru The Lens Metering).

Máy Rolleiflex và Rolleicord chụp phim cỡ 120 (chụp được 12 tấm cỡ 6 x 6 cm), một số Rolleiflex sau này chụp được hai cỡ phim 120 và 220 (12 tấm hoặc 24 tấm 6 x 6 cm). Một số máy Rollei (thí-dụ như Rolleicord, Rolleiflex và Rollei Magic), có thể gắn thêm cơ-phận ngăn phim ngay trong buồng tối, chụp được 16 tấm 4.5 x 6 cm vào cuộn phim 120. Máy Baby Rollei dùng phim cỡ 127 (chụp được 12 tấm 4 x 4 cm).Ta cũng có thể gắn bộ cơ-phận "Rolleikin" vào một số lớn máy Rolleicord và Rolleiflex để chụp phim 35 mm.

Phụ-tùng của Rolleiflex và Rolleicord gồm có kính lọc, kính phụ-cận, loa che nắng, nóc trụ (prism), ống kính phụ, cơ-phận chụp "đại-vĩ-tuyến" (panorama), lưng máy Polaroid (chụp ảnh lấy liền), động-cơ lên phim tự-động Rolleimot, tay cầm, bao da, hộp đựng... Rollei cũng có sản-xuất hộp đèn, để khi tháo nóc máy ra, ta gắn đầu máy Rollei vào hộp đèn đó, làm máy chiếu slide (phụ-tùng này Rollei chỉ sản-xuất một thời-gian ngắn rồi ngưng, không có thêm chi-tiết kỹ-thuật).

(Tiếp theo)