About Us
Main menu
Số truy cập: 77450487
Kiến thức nhiếp ảnh
Nguồn tin: Sưu tầm (11/24/14)



Phim: Vô hình và hữu hình

“You press the button, we do the rest” (Bạn chỉ việc bấm, còn lại chúng tôi lo). Một thế kỷ trước, với câu khẩu hiệu quảng cáo lừng danh ấy, George Eastman – người sáng lập hãng Kodak – đã giới thiệu chiếc máy ảnh Kodak chụp phim cuộn đầu tiên. Chiếc máy ảnh thời đó cũng dễ sử dụng nhưng điều khiến cho kiểu máy ấy thành công tức thì là nhờ Eastman có cung cấp kèm theo một dịch vụ tráng phim và in ảnh cho mỗi chiếc máy bán ra. Thật tình mà nói, dịch vụ in tráng thời đó không phải là những minilab “một giờ có ảnh” như ngày nay; nhưng từ thời 1888 các tay nhiếp ảnh nghiệp dư đã có thể bỏ lại phòng tối với hoá chất sau lưng và chỉ tận hưởng niềm vui bấm máy.
Ngày nay, nhiều nhà nhiếp ảnh, kể cả dân chuyên nghiệp, vẫn đi theo lời khuyên của Eastman và để chuyện tráng phim, in ảnh cho người khác làm. Phim màu, với sự hấp dẫn chung, đã thay thế phim trắng đen gần như trong mọi lãnh vực ứng dụng ngoại trừ ảnh nghệ thuật, báo chí và xuất bản, đồng thời các công nghệ hiện đại đã làm cho việc tráng rọi phim màu trở thành nhanh chóng, rẻ tiền, và phổ biến mọi nơi.
Tuy nhiên, đối với phim trắng đen thì không còn phổ biến những dịch vụ như vậy nữa cho nên hầu hết các nhà nhiếp ảnh dùng phim trắng đen đều tự tráng rọi lấy. Việc tự làm lấy cho phép họ toàn quyền kiểm soát từng bước một trong mọi công đoạn thực hiện hình ảnh, một lợi thế sáng tạo của những tay chơi ảnh nghệ thuật. Nhưng vì hầu hết các đặc tính kỹ thuật của phim đều không thể nhìn thấy được và việc tráng rọi phải được thực hiện trong bóng tối hoàn toàn cho nên cái chất liệu đặc trưng ấy của nhiếp ảnh đối với nhiều người vẫn còn bao trùm một màn bí mật.

Phim là gì?

Phim là phương tiện mà những người cầm máy chúng ta dùng để ghi nhận hình ảnh. Phim bao gồm một lớp nhũ tương nhạy sáng phủ trên một lớp đế bằng polyester mềm dẻo và trong suốt. Lớp nhũ tương nhạy sáng là một hỗn hợp kim loại bạc và khí halogen (brôm, clo hay iốt) hợp thành brômua bạc, clo bạc, hay iốt bạc. Khi những hỗn hợp này bị phơi ra ánh sáng thì chúng đen sậm lại. Phản ứng hóa học đó chính là nguyên lý của nhiếp ảnh và đó là lý do tại sao phim phải được cất giữ trong những hộp chứa hay võ đựng không lọt ánh sáng vào.
Nếu cho một lượng ánh sáng vừa đủ tác dụng vào phim qua một ống kính đã canh nét thì một hình ảnh tiềm ẩn sẽ được in trên lớp nhũ tương. Ta không thể thấy được hình ảnh này bởi vì nó quá mờ (và nếu lôi phim ra khỏi máy ảnh để xem thì thì phim sẽ bị phơi ra ngoài ánh sáng và trở nên đen kịt toàn bộ).
Khi tráng phim, hóa chất hiện hình sẽ “nâng” cái hình ảnh tiềm ẩn trên mặt phim lên mức độ mạnh hơn cho ta nhìn thấy được. Nếu ta nhìn phim ngay sau khi cho thuốc hiện tác dụng, ta có thể thấy được hình ảnh trong một thoáng; phim sẽ sau đó sẽ bị đen vì nó vẫn còn nhạy với ánh sáng. Cho nên việc tráng phim phải qua ba công đoạn: sau khi cho hiện hình bằng thuốc hiện (developer), ta phải cho chặn đứng ngay tác dụng của thuốc hiện bằng thuốc hãm (stop-bath), và sau đó tẩy hết các hỗn hợp muối bạc không lộ sáng bằng thuốc định hình (fixer). Sau khi định hình, phim phải được rửa sạch để thải hết các hóa chất còn thừa của lớp nhũ tương và phơi cho khô.
Một khi phim đã định hình, ta có thể nhìn phim dưới ánh sáng mà không sợ đen phim bởi vì phim không còn nhạy sáng nữa. Những gì ta thấy trên mặt phim bây giờ là một chuỗi những hình ảnh âm bản – những gì sáng nhạt trong cảnh trí nguyên thủy sẽ hiện hình đen sậm trên phim và ngược lại những gì đen sậm sẽ hiện hình sáng nhạt. Các sắc độ bị đảo ngược do tính chất nhạy sáng của phim. Các phần cảnh trí được chiếu sáng mạnh hơn sẽ tác dụng vào phim mạnh hơn do đó sẽ tạo ra một vùng đen sậm tương ứng trên hình ảnh âm bản. Các phần cảnh trí đen sậm do nhận ít ánh sáng nên sẽ ít tác dụng vào phim hơn và phần phim tương ứng sẽ gần như trong suốt sau khi hiện hình xong.
Khi một hình ảnh âm bản như vậy được rọi lên một tờ giấy ảnh – vốn cũng có phủ một lớp nhũ tương nhạy sáng giống như lớp nhũ tương trên mặt phim chưa chụp – phần đen sậm trên phim sẽ cản không cho ánh sáng của đèn rọi tác dụng nhiều vào mặt giấy và phần trong suốt của phim sẽ cho ánh sáng đi qua nhiều hơn và tác dụng lên giấy ảnh mạnh hơn. Kết quả là các sắc độ sẽ đảo ngược một lần nữa là ta có một bức ảnh giống như cảnh trí nguyên thủy (với các sắc độ trắng đen).
Phim màu âm bản có cấu tạo phức tạp hơn phim trắng đen. Nó bao gồm ba lớp nhũ tương nhạy sáng: một lớp nhạy với ánh sáng xanh dương (blue), một lớp nhạy với ánh sáng đỏ (red) và một lớp nhạy với ánh sáng xanh lục (green). Mỗi lớp nhũ tương lại được cặp thêm một lớp màu nhuộm để sau khi tráng các màu tương ứng với mỗi lớp nhũ tương sẽ được in lên các lớp đệm này. Kết quả là trên phim sau khi tráng xong, ta có một hình ảnh màu âm bản. Hình ảnh màu âm bản không những đảo ngược các sắc độ sáng tối mà còn đảo ngược cả màu sắc nữa: màu xanh dương sẽ thành màu vàng (yellow), màu lục sẽ thành màu tím hoa cà (magenta), và màu đỏ sẽ thành màu xanh lam (cyan). Ngoài ra toàn bộ cuốn phim màu âm bản sẽ phủ một sắc nâu màu hổ phách (amber).
Khi phim âm bản màu được in trên giấy ảnh âm bản màu (có lớp nhũ tương giống như phim) thì sắc độ đậm nhạt và các màu sẽ bị đảo ngược một lần nữa và ta có một bức ảnh màu giống như cảnh trí nhìn thấy ban đầu. Sắc nâu hổ phách trên phim đóng vai trò bù trừ cho những sai lệch giữa các lớp màu, giúp cho phim dễ in hơn và một kính lọc trên máy rọi sẽ khử hết sắc nâu khi rọi ảnh.
Loại phim màu đảo dương (color-reversal) hay phim slide có cấu tạo tương tự phim màu âm bản nhưng hình ảnh trong quá trình tráng phim sẽ đảo ngược thành dương bản và kết quả là ta có một cuộn phim slide màu với hình ảnh trên phim có màu sắc giống thực. Phim slide được tráng bằng công thức E-6 cho màu sắc rực rỡ hơn và độ nét cao hơn phim màu âm bản đôi chút vì đế phim trong suốt và phim không phải qua các giai đoạn in phóng trung gian. Dù vậy, ta cũng có thể in phim slide màu trên loại giấy ảnh đảo dương có cấu tạo nhũ tương tương đương để có những ảnh màu dương bản. Phim màu âm bản cũng có thể in trực tiếp lên phim slide để tạo ra các dương bản phục vụ cho việc rọi chiếu hay ấn loát.
Với phim trắng đen, hình ảnh còn lại trên phim sau khi tẩy rửa hết lớp nhũ tương thừa là một hình ảnh do các phân tử kim loại bạc tạo thành. Còn với phim màu thì hình ảnh sẽ nhuộm chết vào các lớp đệm nằm dưới các lớp nhũ tương. Hãng Ilford của Anh chuyên sản xuất phim và giấy trắng đen có sản xuất một loại phim “màu-trắng đen” (chromogenic) – loại phim XP2 400 – được tráng bằng công thức C-41 của phim màu âm bản (ta có thể tráng phim ở bất kỳ minilab nào) nhưng lại cho ra những âm bản trắng đen nhuộm trên lớp đệm của phim chứ không chứa phân tử kim loại bạc nào. Loại phim XP2 này cho độ nét và sắc độ tuyệt hảo.
Sự ra đời của phim màu trùng hợp với một thời kỳ phát triển nhanh chóng của máy ảnh loại 35mm. Kodak giới thiệu loại phim màu Kodachrome dùng cho điện ảnh vào năm 1935 và một năm sau đó cho ra loại phim tương tự dùng cho nhiếp ảnh. Gần như cùng một lúc Agfa đưa ra Agfacolor Neue. Hai loại phim màu đầu tiên này cực kỳ kém nhạy sáng so với các tiêu chuẩn phim bây giờ, nhưng đủ để cho phép chụp cầm tay ở khẩu độ trung bình với ánh sáng mạnh. Muốn sử dụng loại phim này trong nhiều tình huống ánh sáng, người chụp buộc phải dùng những ống kính có khẩu độ mở lớn – rất đắt tiền vào thời ấy. Cả hai loại phim của Agfa và Kodak đều là phim dương bản, sau khi chụp và tráng xong sẽ được chiếu lên màn ảnh để xem. Sau thế chiến thứ hai, phim màu âm bản mới xuất hiện và cho đến cuối thập niên 1940 thì bắt đầu lấn lướt phim dương bản.
Ngoài việc ghi nhận hình ảnh và xác định xem hình ảnh sẽ là màu hay trắng đen, âm bản hay dương bản, phim còn mang những đặc tính quan trọng để xác định chất lượng của hình ảnh và độ nhạy của phim (cùng với lượng sáng của bối cảnh) sẽ phần nào quyết định dải tốc độ và khẩu độ ta có thể sử dụng để thực hiện hình ảnh.

Ðộ nhạy của phim

Ðộ nhạy của phim (film speed) là một thước đo mức nhạy cảm của phim với ánh sáng. Phim càng nhạy thì chỉ số của nó càng cao. Ðộ nhạy của phim trước kia dựa theo tiêu chuẩn của Hiệp Hội Tiêu Chuẩn Hoa kỳ (American Standard Association – viết tắt là ASA) nên được gọi là độ ASA. Ngày nay, độ nhạy của phim được biểu thị bằng chỉ số ISO của Tổ Chức Tiêu Chuẩn Quốc Tế (International Standard Organization) nên gọi là độ ISO. Thực tế thì tiêu chuẩn quốc tế cũng dự theo tiêu chuẩn Mỹ ASA mà thôi.
Loại phim Kodak Tri-X tung ra thị trường năm 1954 có độ nhạy 200 ASA, và độ nhạy của phim dương bản khi đó cũng đã tăng lên tới 32 ASA. Tiến trình tinh chỉnh và cải tiến chất lượng phim màu vẫn tiếp tục suốt thập niên 1850 và 1960 nhưng mãi đến năm 1977 mới có loại phim màu “cực nhạy” 400 ASA ra đời. Sự phát triển gần đây nhất của công nghệ phim màu là công nghệ “T-grain” do Kodak đưa ra năm 1983. Công nghệ “T-grain” vẫn sử dụng các tinh thể bromua bạc để làm nhũ tương nhưng thay vì dùng các tinh thể dạng khối vuông như trước, Kodak dùng các tinh thể dạng que, giúp tăng độ nhạy sáng của phim lên nhiều lần mà vẫn giữ được độ mịn.
Ðộ nhạy của các loại phim ngày nay theo thứ tự từ thấp nhất đến cao nhất là: 25, 32, 40, 50, 64, 80, 100, 125, 160, 200, 250, 320, 400, 500, 640, 800, 1000, 1250, 1600, 200, 2500 và số. Mỗi nấc độ nhạy ISO tương đương với 1/3 khẩu độ hay tốc độ của máy ảnh, các số lớn gấp đôi nhau (25, 50, 100, 200,vv) tương đương với 1 khẩu độ hay 1 tốc độ.
Ðộ nhạy của phim rất quan trọng vì đó chính là cơ sở để ta định thời chụp đúng cho phim. Phim có độ nhạy càng cao sẽ cho phép ta sử dụng tốc độ trập càng nhanh hay đóng khẩu độ càng nhỏ, và do đó phim cũng góp phần quyết định vào mức độ rõ nét hay chao mờ khi chụp một chủ đề chuyển động, cũng như độ sâu của vùng ảnh rõ. Ðộ nhạy của phim nói chung cũng là dấu hiệu cho biết về chất lượng của hình ảnh cuối cùng: phim độ nhạy càng cao thì càng vỡ hạt, bớt nét, giảm tương phản (và với phim màu thì màu sắc sẽ kém tươi thắm hơn).
Trước kia, phim với độ nhạy ISO/ASA 200 hay 400 đã được coi là phim “cực nhạy” với chất lượng hình kém xa các loại phim có độ nhạy thấp hơn. Với chất lượng rất cao của công nghệ phim màu ngày nay thì các loại phim ISO 100, 200, 400 được xếp vào loại phim có độ nhạy trung bình (medium-speed film), cho hình ảnh với màu sắc tươi thắm với độ nét và độ tương phản rất tốt, sử dụng rộng rãi cho mọi tình huống. Các phim có ISO 25 hay 50 được xếp vào loại phim độ nhạy chậm (low-speed film) cho hình ảnh cực mịn, thích hợp cho những nhu cầu cần phóng ảnh cực lớn. Các phim có ISO từ 800 trở lên là phim độ nhạy cao (high-speed film) cho chất lượng hình ảnh kém hơn với độ vỡ hạt thấy rõ, nhưng rất cần thiết cho những tình huống nhiếp ảnh đặc biệt. Phim có độ nhạy cao nhất hiện nay (ISO 3200) là phim màu của hãng Konica và phim trắng đen của hãng Kodak.
Riêng loại phim “màu-trắng đen” XP2 của hãng Ilford, tuy có độ nhạy chỉ định là 400 ISO nhưng đặc biệt ta có thể chụp ở bất kỳ độ nhạy nào từ 50 đến 1600, thậm chí 3200 ISO mà vẫn cho hình ảnh chất lượng tốt! Ðây là loại phim được giới phóng viên nhiếp ảnh quốc tế đặc biệt ưa chuộng vì vừa có thể in tráng dễ dàng, nhanh chóng tại các minilab trên giấy ảnh màu để có ảnh ngay hoặc gia công trong phòng tối thủ công với giấy ảnh trắng đen bình thường để có bức ảnh ưng ý.
Với sự phát triển của các loại máy ảnh điện tử tự động, tất cả các loại phim ngày nay đều sử dụng một mã số in ngay trên võ phim để máy ảnh tự động nhận biết độ ISO và chỉnh thời chụp cho phù hợp. Mã số này được gọi là mã DX (viết tắt của Digital Index) dưới dạng nhưng ô vuông màu đen (cách điện) hay màu bạc (dẫn điện) xếp thành cột dài dọc theo vỏ phim. Tùy theo sự sắp xếp biến đổi của các ô này mà ta biết phim có độ nhạy bao nhiêu, loại phim âm bản hay dương bản, và phim có độ dài là 12, 24 hay 36 tấm. Các kiểu máy ảnh điện tử sản xuất từ năm 1985 đều có các mạch tiếp xúc điện tử trong ngăn chứa phim để đọc các mã DX này.

Chỉ số lộ sáng

Ðôi khi, ta muốn cho phim lộ sáng ở một độ nhạy cao hơn hay thấp hơn độ nhạy ISO chỉ định. Nhiều người chơi ảnh nghệ thuật trắng đen thích chụp với độ nhạy thấp hơn độ nhạy chuẩn để lấy thêm chi tiết ở vùng tối (cố tình chụp thừa sáng). Trong khi đó một số nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp dùng phim slide lại thích cho hình ảnh có màu tươi thắm hơn bằng cách cho phim lộ sáng ở độ nhạy cao hơn chuẩn một chút (cố tình chụp thiếu sáng) – khoảng 1/2 khẩu độ.
Bất kỳ độ nhạy nào ngoài độ nhạy ISO tiêu chuẩn của hãng sản xuất mà ta cố tình chọn lựa để chụp với một loại phim nào đó được gọi là những chỉ số lộ sáng hay chỉ số EI (Exposure Index). Nếu ta chụp phim ISO 200 ở độ nhạy như là phim ISO 100 tức là ta đã sử dụng chỉ số EI 100 (phim vẫn là phim ISO 200, ta không thể thay đổi được chỉ số ISO). Sự khác biệt giữa chỉ số lộ sáng EI và chỉ số độ nhạy phim ISO chỉ là vấn đề thuật ngữ chuyên môn. Trong thực tế thì chỉ số EI và ISO hoạt động như nhau. Ta chỉ cần định số ISO trên máy đo sáng hay trên các máy ảnh theo bất cứ số nào ta muốn và máy đo sáng hay hệ thống đo sáng trong máy ảnh sẽ thông báo thời chụp tương đương với chỉ số ta định.
Một lý do để định chỉ số EI cao hơn chỉ số ISO thực là nhằm giúp ta chụp ảnh trong vùng thiếu sáng, khi mà chỉ số ISO chuẩn không cho phép ta sử dụng những tốc độ trập đủ nhanh hay khẩu độ đóng đủ nhỏ để có bức ảnh ta mong muốn. Sử dụng phim ISO 400 nhưng chụp với chỉ số EI 3200 chẳng hạn cho phép ta định những cặp thông số tốc độ-khẩu độ thích hợp như ý.
Tất nhiên ta không thể vặn chỉ số ISO trên máy đo sáng hay trên máy ảnh theo bất kỳ số nào, chụp theo đó và hy vọng sẽ có một bức ảnh “ngon lành”. Nếu ta chụp với chỉ số cao hơn hay thấp hơn độ nhạy thực của phim thì ta phải bù trừ khi tráng phim. Nếu ta chụp với chỉ số ISO cao hơn thực (chụp thiếu sáng) và tráng phim bình thường thì phim sẽ trắng nhợt và hình ảnh cuối cùng sẽ đen sậm, mất hết chi tiết trong vùng tối, và các vùng sáng sẽ bị xám xỉn lại. Ðể bù trừ lại, khi tráng phim ta phải dùng hóa chất đặc biệt hoặc kéo dài thời gian hiện hình theo tỷ lệ tương ứng. Kỹ thuật này gọi là “tráng thúc” (push-processing) hay “chụp thiếu-tráng thừa”. Ngược lại, ta phải sử dụng kỹ thuật “tráng hãm” (pull-processing) hay “chụp thừa-tráng thiếu” khi tráng những phim chụp với chỉ số thấp hơn chỉ số ISO thực để giữ cho các vùng sáng của hình ảnh sẽ không bị đen kịt trên phim và trắng xóa mất hết chi tiết trên hình ảnh cuối cùng.
Với những người chơi ảnh trắng đen thì việc thúc hay hãm trong quá trình tráng phim không phải là vấn đề khó khăn vì hầu hết họ đều có phòng tối riêng và có thể tự làm lấy. Với người chơi ảnh màu âm bản thì các minilab có thể bù trừ bằng cách tăng giảm thời gian tráng phim cho họ nhưng theo thăm dò của người viết thì các minilab ở nước ta đáng tiếc là không cung ứng được dịch vụ này do không thể thay đổi được chương trình điều khiển tốc độ của các máy tráng phim tự động.
Việc thay đổi chỉ số EI còn phụ thuộc vào dung sai độ nhạy của phim. Với phim âm bản thì các loại phim ngày nay đều có dung sai rất rộng là ± 2 khẩu độ. Như vậy ta có thể chụp với chỉ số EI cao hơn hay thấp hơn chỉ số ISO thực từ 2 đến 4 lần. Phim slide có dung sai hẹp hơn nhiều (+1 và -1/2) nên việc chụp bù trừ theo chỉ số EI bị hạn chế.

Chất lượng hình ảnh

Hình ảnh ghi vào phim được hợp thành từ những phân tử rất nhỏ gọi là hạt (grain). Với phim trắng đen, các hạt này là những phân tử kim loại bạc; với phim màu thì lại là những phân tử của hóa chất nhuộm còn lại sau khi đã tẩy hết lớp nhũ tương bạc trong quá trình tráng. Phim có độ nhạy càng cao, hình ảnh cuối cùng càng được phóng lớn, thì càng thấy rõ các hạt này. Kích thước các hạt càng tăng thì hình ảnh sẽ càng giảm chi tiết và mất độ nét. Khi chụp phim với chỉ số EI cao hơn độ nhạy thực của phim và tráng thúc để bù trừ thì phim cũng bị vỡ hạt thấy rõ, mặc dù phim vốn mịn hạt khi chụp với chỉ số ISO đúng. Do đó, nếu ta muốn có một bức ảnh phóng thật lớn thì phải dùng loại phim có độ nhạy thấp nhất (hạt mịn nhất) để cho hình ảnh chất lượng cao.
Nhưng một khuynh hướng khá phổ biến trong giới chơi ảnh nghệ hiện nay, đặc biệt là ảnh trắng đen, lại thích cố tình cho phim vỡ hạt để tạo hiệu quả đồ họa đặc biệt nhằm tăng cường tính chất thô nhám, sần sùi của chủ đề hay muốn chuyển tải đến người xem ảnh một cảm giác nào đó khác với sự dịu dàng bình thường. Cảm giác ấy có thể là sự thô bạo, dữ dội trong ảnh phóng sự chiến tranh; cái cộc cằn, gay gắt của nắng, lửa, sa mạc, vv.; hay cái nam tính mạnh mẽ của những chân dung đàn ông, đặc biệt là chân dung các lực sĩ điền kinh .
Ngoài độ mịn (graininess) đã nói trên, chất lượng hình ảnh còn liên quan tới độ nhuyễn (acutance) và độ bén (resolving power) của phim. Ðộ nhuyễn là khả năng phân biệt các sắc độ chuyển tinh tế từ vùng đậm nhất sang vùng nhạt nhất của hình ảnh. Chính độ nhuyễn này sẽ chi phối mức tương phản (contrast) của phim. Trong khi đó, độ bén lại là mức độ ghi nhận chi tiết tối đa của phim, phụ thuộc vào mức độ tương phản của chính chủ đề và chất lượng của ống kính. Các loại phim ngày nay nói chung đều có độ bén rất cao, nhưng với các loại phim độ nhạy chậm (từ ISO 25 đến ISO 50) có độ mịn và độ nhuyễn cao nhất còn với các loại phim độ nhạy cao (từ ISO 800 trở lên) thì ngược lại. Tuy nhiên nếu chụp thiếu và tráng thừa thì cả độ mịn, độ nhuyễn lẫn độ bén của phim đều bị trung hòa.

Ðộ nhạy màu

Mọi màu sắc đều là sản phẩm của ánh sáng nhưng phim nhạy sáng không có nghĩa là nhạy với mọi màu sắc! Lớp nhũ tương của các phim trắng đen ngày xưa chỉ nhạy với ánh sáng màu xanh (giống như một số loại phim chuyên dụng ngày nay), kết quả là trên ảnh chụp, các vật thể màu xanh sẽ nhạt sáng còn các vật thể màu lục, vàng và đỏ đều sậm đen.
Nhờ sử dụng các loại nhũ tương bạc khác nhau, các nhà sản xuất phim có thể mở rộng độ nhạy màu (color sensitivity) của phim trắng đen sang phần xanh lục của dải quang phổ, và ta có phim nhạy với cả màu xanh lẫn màu lục (nhưng không nhạy với màu đỏ). Những phim loại này được gọi là phim orthochormatic hay gọi tắt là phim ortho, cho ta hình ảnh trông hiện thực hơn là loại phim chỉ nhạy với màu xanh – mặc dù các vật thể màu đỏ trong thực tế vẫn đen sậm trên ảnh in ra. Loại phim này hiện vẫn còn được sản xuất để cung cấp cho giới chơi ảnh nghệ thuật trắng đen và cho lãnh vực đồ họa.
Cho thêm những hóa chất nhuộm màu nhạy sáng vào nhũ tương, các nhà sản xuất phim tạo ra loại phim panchromatic nhạy với mọi màu sắc của ánh sáng. Tất cả các loại phim trắng đen phổ thông ngày nay đều là phim panchromatic, cho ta hình ảnh với các sắc độ giống như tự nhiên.
Mặc dù trên lý thuyết, phim bây giờ nhạy với tất cả các màu nhưng thực tế phim vẫn nhạy nhất với màu xanh trong khi mắt của con người lại nhạy nhất với màu lục. Do đó, các vật thể màu xanh – chẳng hạn, bầu trời – trên ảnh in ra vẫn nhạt sáng hơn là mắt ta thấy trong đời thực. Ðó chính là lý do tại sao ta phải dùng một kính lọc màu vàng nhạt khi chụp phim trắng đen ở ngoài trời. Kính lọc màu vàng sẽ khử bớt lượng ánh sáng xanh tác dụng vào phim và cho sắc độ bầu trời sậm hơn để tương phản với mây trắng.

Cân bằng màu sắc

Phim màu tất nhiên sẽ nhạy với mọi màu sắc của ánh sáng. Theo nguyên lý quang học thì trắng và đen không phải là màu! Cái gọi là “màu trắng” là tập hợp bước sóng ánh sáng của mọi màu, ngược lại “màu đen” lại là một tập hợp rỗng: không có bước sóng của bất kỳ màu nào. (Xem thêm chương Ánh sáng và màu sắc).
Ánh sáng ban ngày (kết hợp giữa ánh sáng xanh của bầu trời và ánh sáng vàng của mặt trời) có sắc xanh hơn là ánh sáng của đèn tungsten. Còn đèn tungsten lại chứa nhiều bước sóng đỏ và cam hơn là lục và xanh. Con mắt của ta có khả năng thích ứng với mọi màu sắc khác nhau của ánh sáng “trắng”. Nếu ngoài trời ta nhìn một tờ giấy trắng và thấy nó có màu trắng thì khi đem tờ giấy vào nhà và nhìn dưới ánh đèn, ta cũng thấy tờ giấy màu trắng.
Tuy nhiên, phim không thể thích ứng như con mắt của chúng ta. Nếu phim được sản xuất với đặc tính nhận dạng được màu trắng dưới ánh sáng ban ngày hơi xanh thì khi chụp dưới ánh đèn vàng tungsten, nó sẽ ghi nhận màu trắng như là màu đỏ cam. Còn nếu phim được sản xuất với đặc tính nhận dạng đúng màu trắng dưới ánh đèn tungsten thì khi chụp ngoài trời với ánh sáng ban ngày, màu trắng sẽ bị ám xanh hết.
Phim màu nào nhận dạng đúng màu sắc của sự vật dưới ánh sáng ban ngày được gọi là loại phim đã cân bằng theo ánh sáng trời (daylight). Phim nào nhận dạng đúng màu sắc của sự vật dưới ánh sáng đèn vàng tungsten tức là đã được cân bằng theo ánh sáng đèn vàng (tungsten). Vì phim màu âm bản có thể tinh chỉnh lại màu sắc khi in ra ảnh cho nên hầu hết các loại phim màu âm bản ngày nay đều là phim daylight. Còn phim slide thì thường ít khi in ra ảnh mà chỉ chiếu lên màn ảnh để xem cho nên không thể chỉnh màu trong quá trình in phóng như là phim màu âm bản được. Do đó, phim slide thường được sản xuất thành hai loại: một loại cân bằng cho daylight và một loại cân bằng cho tungsten.

Ánh sáng vô hình

Một số ít loại phim đặc biệt không những nhạy với mọi màu sắc của ánh sáng mà còn nhạy với cả những “ánh sáng” mắt thường không thể nhìn thấy được – tia hồng ngoại (infrared). Các loại phim đặc biệt này chủ yếu do Kodak sản xuất: High Speed Infrared 2681 cho phim trắng đen và Ektachrome Infrared 2236 cho slide màu.
Các loại phim này thường được chụp với một kính lọc đỏ sậm (No. 25) để cản hết các tia sáng màu xanh vào màu lục. Với phim trắng đen hồng ngoại, cây xanh sẽ trắng bệch, trời nước sẽ đen ngòm. Tuy được chế tạo cho những mục tiêu khoa học, phim hồng ngoại cũng được giới chơi ảnh nghệ thuật sử dụng để tạo hiệu quả đặc biệt: phong cảnh dị thường, chân dung ma quái, vv. – đặc biệt là với phim slide màu hồng ngoại. Chụp với kính lọc No. 25 thì phim slide màu hồng ngoại sẽ ghi nhận cây lá thành màu đỏ cam, bầu trời sẽ là xanh lục. Chụp với kính lọc xanh lá cây (No. 58) thì cây lá lại thành màu tím còn còn bầu trời lại xanh sậm. Chụp với kính lọc vàng (No.15) thì cây lá sẽ hồng hồng và trời xanh xám. Còn chụp với kính lọc xanh xậm (Np. 47) thì lá cây sẽ đỏ rực và bầu trời trắng xóa.
sậmCác loại phim hồng ngoại nói trên đều cực nhạy. Ta phải tháo lắp phim hoàn toàn trong bóng tối. Ngay cả việc mở nắp võ nhựa đựng phim ngoài ánh sáng cũng có thể làm xám mấy tấm phim đầu tiên. Vì ta không thể nhìn thấy được tia hồng ngoại nên không thể nào biết trước hiệu quả hình ảnh mà tia hồng ngoại sẽ tác dụng vào phim. các hệ thống đo sáng điện tử cũng không đo được tia hồng ngoại nên việc định thời chụp chỉ phụ thuộc vào may rủi và kinh nghiệm. Hầu hết những người dùng phim hồng ngoại đều chụp bù trừ (bracket), bắt đầu bằng chỉ số độ nhạy ISO 50 và sau đó tăng giảm thời chụp để… cầu may.

Thế giới muôn màu qua kính lọc

Kính lọc đối với nhà nhiếp ảnh cũng giống như gia vị đối với người đầu bếp. Sử dụng đúng đắn thì những chiếc đĩa kỳ diệu này có thể biến một bức ảnh buồn chán trở thành một đại yến cho con mắt. Nếu sử dụng sai lầm hay quá lố, nó sẽ phá hỏng bữa tiệc.
Muốn chọn đúng loại kính lọc phù hợp, ta chỉ cần hiểu vài nguyên tắc cơ bản. Mỗi loại gia vị của người đầu bếp có tác dụng riêng biệt như thế nào thì mỗi loại kính lọc của nhà nhiếp ảnh cũng có mục đích sử dụng đặc trưng cho nó. Chẳng hạn, trong ảnh trắng đen, các kính lọc màu được dùng để tạo tương phản giữa các vật thể có màu sắc khác nhau trong khung cảnh. Nhưng kính lọc cũng có thể dùng như một thủ pháp nhằm cường điệu mối tương quan sắc độ hay tạo hiệu quả đặc biệt cho ảnh màu.
Nói đến kính lọc thì phải mất cả một cuốn sách mới trình bày thấu đáo mọi loại kính lọc từ hữu dụng đến… vô dụng hiện có trên thị trường thế giới. Trong phạm vi của cuốn sách này, tôi chỉ xin trình bày nguyên lý và ứng dụng của những loại kính lọc phổ thông nhất và cần thiết nhất trong những phạm vi nhất định.

Kính lọc UV và Skylight

Khi ta mua một ống kính thì thông thường ta mua luôn một kính lọc UV (viết tắt của ultraviolet) hay Skylight hoặc Haze và gắn luôn vào đầu ống kính để “bảo vệ”. Có hai quan điểm về việc gắn thường trực kính lọc loại này trên ống kính: (1) Kính lọc sẽ bảo vệ thấu kính khỏi bị trầy sướt. (2) Kính lọc gắn như thế sẽ thành một vật chắn giữa chủ đề và ống kính, ánh sáng phải đi qua càng nhiều thấu kính thì chất lượng hình ảnh càng giảm và bị tán xạ càng nhiều nên dễ bị lóe. Cả hai quan điểm này đều có cơ sở vững chắc của nó nên chọn theo quan điểm nào là tùy ở ta.
Nhưng ngoài cái việc “bảo vệ” gây tranh cãi ấy thì những kính lọc UV/Haze/Skylight có ích lợi gì? Công dụng của chúng là hấp thu (khử) hết các tia tử ngoại (ultraviolet) không cho tác dụng vào phim. Ở vùng núi cao thì lượng tia tử ngoại càng lớn. Mắt ta không thể nhìn thấy tia hồng ngoại nhưng hóa chất trên phim lại rất nhạy với tia này. Nhiều lúc tia tử ngoại sẽ tác dụng vào phim khiến cho bức ảnh ta chụp sẽ bị ám màu xanh xanh. Các kính lọc này sẽ khử hết sắc ám xanh đó, nếu như có tia tử ngoại. Nếu không có thì kính lọc này sẽ không có tác dụng gì hết ngoài tác dụng “bảo vệ” nói trên. Kính lọc UV và Haze thì trong suốt, không màu, chỉ hấp thu tia tử ngoại. Còn kính lọc Skylight thì có màu phớt hồng, ngoài tia tử ngoại ra nó còn hấp thu thêm một ít ánh sáng xanh trong dải quang phổ.

Kính lọc màu và ảnh trắng đen

Khi chụp ảnh trắng đen, ta có thể dùng các kính lọc màu để thay đổi quan hệ sáng/tối giữa các vật thể nhiều màu trong đời thực. Kính lọc sẽ tạo ra sự tương phản (contrast) giữa các vật thể đó, nếu không chúng sẽ được ghi vào phim với cùng một sắc độ xám như nhau. Ví dụ: màu đỏ của hoa và màu xanh của lá tuy tương phản rõ rệt về màu sắc nhưng lại có cùng một sắc độ xám. Nếu không sử dụng kính lọc khi chụp thì trên hình ảnh cuối cùng ta sẽ khó phân biệt được đâu là hoa và đâu là lá. Nếu ta chụp bụi hoa ấy với một kính lọc màu đỏ thì trên hình ảnh chụp được hoa sẽ nhạt hơn và nổi bật trên nền lá đen sậm.
Dùng với phim trắng đen, các kính lọc màu sẽ làm cho các vật thể cùng màu với kính lọc sáng lên và làm sậm lại các vật thể nào mang màu sắc bổ túc với màu của kính lọc. (Xem phần sau để biết rõ hơn về màu bổ túc). Với cảnh hoa lá trong ví dụ trên, ta cũng có thể dùng kính lọc màu xanh lá cây để làm cho lá sáng nhạt và hoa đen sậm đi để tạo tương phản. Sử dụng kính lọc màu gì là tùy theo ý định của mỗi người cầm máy nhưng nói chung thì khi xem ảnh trắng đen, mắt người thường bị hút vào những khu vực sáng nhạt trong ảnh cho nên ta cần chọn kính lọc có màu phù hợp để chủ đề chính cuối cùng sẽ nổi bật trong bối cảnh chung. Tư duy của ảnh trắng đen là tư duy của sự tương phản sắc độ (tonal contrast) chứ không phải của sự tương phản màu sắc (color contrast) nhưng phải nắm vững tính chất của màu sắc thì mới tạo được những bức ảnh trắng đen như ý.
Vậy thì màu nào sẽ bổ túc cho màu nào? Và kính lọc màu sẽ có tác dụng gì với tất cả các màu khác trong khung cảnh không giống với màu của kính lọc?

Nhìn vào sơ đồ màu trên đây, ta sẽ thấy các màu bổ túc cho nhau là những màu đối xứng nhau ở hai đầu mũi tên. Nếu ta vẽ một đường vuông góc với đường biểu thị màu của kính lọc (trên sơ đồ là đường chấm vuông góc với màu đỏ và màu xanh cyan của kính lọc) thì mọi màu sắc ở cùng một phía với màu của kính lọc sẽ sáng nhạt lên trên hình ảnh. Những màu ở phía đối diện sẽ bị đen sậm đi. Màu nào nằm càng xa đường chấm sẽ càng bị tác dụng mạnh.

Hình minh họa dưới đây sẽ cho ta thấy rõ hơn tác dụng của kính lọc màu trên ảnh trắng đen với ba màu chính (primary color) hay màu cọng (additive color) – đỏ, xanh lá cây, xanh dương – và ba màu phụ (complementary color) hay màu trừ (subtractive color) – xanh cyan, tím magenta, vàng – khi chụp không dùng kính lọc, dùng kính lọc màu đỏ, dùng kính lọc màu xanh lá cây, và dùng kính lọc màu xanh dương.

Một lý do nữa khiến kính lọc màu rất đắc dụng trong ảnh trắng đen là nhờ tính chất bù trừ cho độ nhạy màu không quân bình của phim trắng đen. Như ta đã biết ở phần Ðộ nhạy màu (xem chương Phim: Vô hình và hữu hình), phim trắng đen ngày nay trên lý thuyết nhạy với tất cả các màu sắc của dải quang phổ nhưng thực tế vẫn nhạy nhất với màu xanh và tia tử ngoại. Do đó, những vật thể trong khung cảnh phản chiếu nhiều màu xanh và tia tử ngoại – chẳng hạn như bầu trời xanh – khi chụp bằng phim trắng đen thì trên hình ảnh sẽ có sắc độ nhạt hơn là cảnh thật. Một bầu trời mây nếu chụp bằng phim trắng đen không có kính lọc thì sẽ cho ra một hình ảnh chẳng có chút ấn tượng nào bởi vì màu xanh trên hình ảnh sẽ nhạt trắng.

Một kính lọc màu vàng sẽ hấp thu một phần tia tử ngoại và các ánh sáng xanh cho nên sẽ cho ta một bầu trời sậm hơn, mây sẽ trắng hơn và nổi bật lên trông tự nhiên hơn. Kính lọc màu cam sẽ làm trời càng sậm hơn nữa, tăng thêm ấn tượng và kính lọc màu đỏ sẽ biến màu trời thành đen kịt đầy kịch tính trong bức ảnh trắng đen.

Chú ý rằng các kính lọc màu không hề có tác dụng gì đối với mây trắng bởi vì “màu trắng” theo lý thuyết quang học không phải là màu. Tương tự như vậy, kính lọc màu cũng không có tác dụng với các vật thể có “màu” trung tính (neutral color) như trắng, xám và đen bởi vì thực sự không có màu nào để chúng hấp thu cả. Ðó là lý do tại sao trong những ngày trời âm u, mây mù hay sương dày thì có dùng kính lọc màu gì đi nữa thì bầu trời trên ảnh cũng không thể nào sậm lên được!

Kính lọc màu và ảnh màu

Kính lọc màu chủ yếu chỉ dùng cho ảnh trắng đen. Rõ ràng ta không thể nào dùng một kính lọc màu đỏ để làm sậm một bầu trời xanh khi chụp với phim màu – bức ảnh màu cuối cùng sẽ bị áp sắc đỏ toàn bộ. Với phim màu, muốn làm cho bầu trời xanh biếc để nổi bật mây trắng lên, ta phải dùng một kính lọc loại khác gọi là kính lọc phân cực (polarizer) – sẽ nói rõ ở phần sau.
Kính lọc màu chỉ dùng cho ảnh màu với ý đồ sáng tạo nào đó như một cách “chơi màu” của họa sĩ. Chụp phim màu, ta có thể dùng một kính lọc màu xanh lá cây nhạt để làm nổi bật những cây lá. Dùng một kính lọc màu xanh sậm và cố tình chụp thiếu sáng giữa trưa nắng cháy sẽ tạo cho ta một bức ảnh mang ấn tượng ánh trăng rằm dịu êm.
Với những cảnh động (thành phố với xe cộ nhộn nhịp, thác nước chảy, sóng biển vỗ bờ, trời nhiều mây bay, vv.), ta có thể chụp ba lần trên cùng một tấm phim màu – một lần với kính lọc đỏ, một lần với kính lọc xanh lá cây và một lần với kính lọc xanh dương – để cho ra hình ảnh cuối cùng với hiệu quả màu sắc rất thú vị: Các vật thể bất động (nhà cửa, nền trời, cây cối, vv.) sẽ giữ nguyên màu sắc thực của chúng trong khi các vật thể di động (xe cộ, mây, nước, sóng, vv.) sẽ có đủ màu ngũ sắc.
Nhiều người cầm máy thích dùng một kính lọc màu cam hay đỏ khi chụp cảnh hoàng hôn với phim màu để nhấn mạnh tính chất chói lọi của những tia nắng cuối cùng. Một hoàng hôn không rực rỡ trong đời thực qua một kính lọc cam hay đỏ cũng sẽ trở nên lộng lẫy hơn trong bức ảnh màu. Còn hoàng hôn màu xanh lá? Sao lại không? Trong cảm hứng sáng tạo, ta có quyền tự do tuyệt đối.
Một loại kính lọc màu khác rất được các nhà nhiếp ảnh phong cảnh chuyên chụp ảnh màu ưu chuộng là kính lọc chuyển sắc (graduated). Kính lọc loại này luôn có nửa dưới trong suốt không màu, nửa còn lại sẽ chuyển dần từ không màu sang một màu nào đó. Các nhà nhiếp ảnh thường sử dụng kính lọc loại này để giữ nguyên màu sắc của các vật thể ở tiền cảnh và “pha màu” cho các vật thể ở hậu cảnh (thường là bầu trời). Với ảnh màu, kính lọc chuyển sắc sẽ cho hiệu quả màu tự nhiên hơn.

Kính lọc phân cực

Các sóng ánh sáng bình thường luôn luôn dao động theo mọi hướng vuông góc với đường di chuyển của chúng. Nếu ánh sáng chạm vào một bề mặt không kim loại thì các dao động của sóng chỉ còn lại trên một mặt phẳng duy nhất và phản xạ ngược trở lại – ánh sáng phản xạ là ánh sáng đã được phân cực (polarized).
Kính lọc phân cực (polarizer – PL) hay gọi tắt là kính pola gồm hai vòng xoay lồng vào nhau, một vòng vặn chặt vào đầu ống kính, vòng ngoài ta sẽ xoay tròn để tạo hiệu quả phân cực. Kính pola sẽ buộc các sóng ánh sáng dao động theo một mặt phẳng duy nhất mà thôi, và đó là mặt phẳng mà kính pola cho phép tia sáng đi qua. Nếu một tia sáng đã phân cực chạm vào kính pola thì có thể xảy ra ba điều:
(1) Nếu một tia sáng đã phân cực và đang dao động theo một mặt phẳng mà kính pola cho phép đi qua thì tia sáng ấy sẽ tiếp tục đi qua trọn vẹn.
(2) Nếu tia sáng đã phân cực đang dao động theo hướng vuông góc với mặt phẳng mà kính pola cho phép đi qua thì tia sáng ấy sẽ bị kính pola chặn đứng lại.
(3) Nếu ánh sáng đã phân cực đang dao động theo hướng chéo góc với mặt phẳng phẳng mà kính pola cho phép đi qua thì chỉ có một phần của tia sáng ấy tiếp tục đi qua.
Ánh sáng của bầu trời sẽ bị phân cực khi được phản xạ bởi vô vàn hạt bụi và các phân tử nước lơ lửng trong không khí. Do đó, ta có thể dùng kính pola để cản bớt một phần các tia sáng phân cực này và kết quả là bầu trời trên bức ảnh chụp sẽ sậm hơn. Ta có được hiệu quả sậm nhất khi nguồn sáng vuông góc với trục của kính pola (tức là trục của ống kính). Ví dụ: Nếu giữa trưa đứng bóng, ta đứng thẳng chụp một phong cảnh ở xa thì khoảng trời ở đường chân trời sẽ sậm nhất, càng lên cao càng nhạt dần. Ta chỉ cần xoay vòng kính pola cho đến khi nào thấy được hiệu quả như ý là chụp. Kính pola sẽ không còn tác dụng khi ta chụp cùng hướng chiếu của nguồn sáng hay chụp ngược sáng.
Ánh sáng phân cực từ bầu trời và phản chiếu của mặt nước sẽ giảm độ tương phản của hình ảnh và làm cho màu sắc của cảnh trí trên hình ảnh sẽ bớt đi độ tươi thắm. Nhờ kính pola cản bớt những tia sáng phân cực, hình ảnh sẽ có màu sắc tươi thắm, rực rỡ hơn và độ tương phản sẽ được tăng cường.
Kính pola cũng rất đắc dụng để loại trừ những ánh phản chiếu không cần thiết từ các bề mặt không kim loại như cửa kính, thủy tinh, vv. Muốn chụp ảnh chi tiết một đồ vật nằm sau tủ kính hay một chủ đề ở sau cửa kính, ta chỉ cần gắn kính pola vào và xoay cho đến khi nào không còn thấy bóng phản chiếu trên mặt kính nữa. Với các bề mặt bằng kim loại thì kính pola mất tác dụng bởi vì ánh sáng phản xạ lại từ các bề mặt kim loại là ánh sáng không được phân cực.
Một công dụng khác nữa của kính pola là ta có thể dùng nó thay cho kính lọc cản quang.

Kính lọc cản quang

Kính lọc cản quang hay thường gọi là kính lọc ND (neutral density) sẽ làm giảm bớt lượng sáng (cường độ sáng) đi vào ống kính mà không làm thay đổi các tính chất của ánh sáng đó. Kính ND là một công cụ hữu dụng khi ta cần chụp ảnh với tốc độ chậm hoặc với khẩu độ mở lớn khi ánh sáng chung quanh quá mạnh hay khi đang sử dụng phim với độ nhạy quá cao. Các kính lọc ND thường có màu xám và được sản xuất theo nhiều độ cản quang mạnh nhẹ khác nhau cho phép ta giảm thời chụp xuống từ 1 đến 3 nấc hoặc hơn nữa.
Ðối với nhiều nhà nhiếp ảnh phong cảnh của thế giới thì loại kính lọc ND đắc dụng nhất là graduated ND. Giống như kính lọc chuyển sắc (graduated), kính lọc graduated ND cũng có nửa dưới trong suốt, nửa trên sẽ chuyển dần sang màu xám sậm để cản bớt lượng sáng. Ánh sáng trên bầu trời thường mạnh và chói chang hơn ánh sáng phản chiếu từ mặt đất nên kính lọc graduated ND sẽ giúp cân bằng lại lượng sáng chung của cả hai, để có thể lấy được chi tiết ở cả tiền cảnh lẫn hậu cảnh.

Kính lọc chỉnh sắc

Khi tìm hiểu về các tính chất của phim màu (xem chương Phim: Vô hình và hữu hình), ta đã biết các phim màu dương bản thường được sản xuất thành hai loại: một loại là daylight cân bằng theo ánh sáng ban ngày chuyên dùng chụp ngoài trời, một loại là tungsten cân bằng theo ánh sáng của đèn vàng hay đèn tungsten chuyên dùng chụp trong nhà. Khi ta chụp ngoài trời mà chỉ có phim tungsten hay khi chụp trong nhà mà chỉ còn phim loại daylight thì đó là lúc ta cần tới các kính lọc chỉnh sắc (color-correction hay color-compensating) hay kính lọc CC để cho màu sắc của hình chụp được tương đối trung thực.
Kính lọc chỉnh sắc được sản xuất với các màu xanh nhạt, cam nhạt, và tím nhạt. Kính lọc xanh nhạt thường dùng khi chụp trong nhà hay dưới ánh đèn vàng với phim loại daylight. Màu xanh nhạt của kính lọc sẽ hấp thu sắc đỏ cam của ánh đèn tungsten. Kính lọc cam nhạt thường dùng khi chụp ngoài trời với loại phim tungsten. Màu cam nhạt sẽ hấp thu sắc xanh của ánh sáng trời. Còn kính lọc màu tím nhạt? Nếu xem lại sơ đồ màu bổ túc ở trên ta sẽ thấy màu tím magenta chính là màu bổ túc của màu xanh lá cây. Như vậy kính lọc màu tím nhạt sẽ hấp thu các sắc xanh lá cây của ánh sáng. Nếu không kể những bóng đèn màu trang trí thì có ánh sáng nào màu xanh lá cây không nhỉ? Có! Chính là ánh sáng đèn nê-ông trong nhà của chúng ta.
Ánh sáng đèn nê-ông là ánh sáng huỳnh quang (fluorescent). Mắt ta không thấy được sắc xanh này nhưng phim lại rất nhạy với ánh sáng đó và không có một loại phim màu nào kể cả âm bản lẫn dương bản cân bằng được với ánh sáng huỳnh quang. Kết quả là một bức ảnh chân dung chụp dưới ánh đèn nê-ông sẽ cho ta một người mẫu xanh xao bệnh hoạn! Kính lọc màu tím nhạt – đôi khi còn được gọi là kính lọc FL-D – sẽ giúp khử đi cái sắc xanh xao ấy. Hiệu quả chỉnh sắc trong trường hợp này chỉ có tính chất tương đối nhưng nếu dùng loại phim Fujicolor Reala và các loại phim độ nhạy cao nói chung thì ta sẽ có kết quả hình ảnh tốt hơn các loại phim khác khi chụp dưới ánh đèn nê-ông.
Nhưng tại sao các kính lọc chỉnh sắc không thể chỉnh được ánh sáng huỳnh quang? Lý do là ánh sáng “trắng” của đèn huỳnh quang không chứa đủ mọi bước sóng của dải quang phổ (nó thiếu bước sóng màu đỏ) và mọi loại kính lọc màu chỉ khử màu đi chứ không thể cho thêm màu vào. Kính lọc đỏ sẽ không thêm màu đỏ vào cảnh thực. Nó chỉ làm công việc là hấp thu (khử) hết Dải bước sóng không phải màu đỏ có trong ánh sáng và chỉ để cho bước sóng màu đỏ đi qua. Dải quang phổ của ánh sáng huỳnh quang không có màu đỏ cho nên có gắn kính lọc đỏ vào ống kính cũng không thể thêm được màu đỏ vào dải quang phổ thiếu hụt ấy. Kính lọc đỏ chỉ có thể giảm thiểu bớt lượng sáng màu xanh lá cây và màu xanh dương đi qua mà thôi. Hiệu quả khử màu xanh lá cây và màu xanh dương của kính lọc đỏ rất mạnh làm hình ảnh được chụp sẽ mất tự nhiên nên người dùng kính lọc màu tím magenta thay thế. Màu magenta là do màu xanh dương và màu đỏ hợp thành nên hiệu quả sẽ vừa phải hơn.

Kính lọc kỹ xảo

Kính lọc kỹ xảo (special effect) là con dao hai lưỡi: Hỗ trợ sáng tạo cũng là nó, giết chết sáng tạo cũng là nó. Nhưng đây chính là thế giới đa dạng nhất của kính lọc ngày nay. Sử dụng như thế nào là tùy ở ta. Cuốn sách này chỉ đề cập đến những kính lọc kỹ xảo thông dụng nhất (và cần thiết nhất trong chừng mực nào đó).
Kính tạo sao (star filter) sẽ biến tất cả những điểm sáng mạnh trong khung cảnh thành những ngôi sao lóe sáng có từ 2 đến 16 cạnh tùy loại kính tạo sao của ta. Kính tạo sao không làm giảm lượng sáng đi qua ống kính nhưng đóng khẩu độ càng nhỏ hay để tốc độ càng chậm thì các cánh sao càng dài. Trước khi chụp nên đóng nhỏ khẩu độ lại để kiểm tra hiệu quả hình ảnh. Cần chú ý rằng một số kính tạo sao rẻ tiền sẽ làm giảm bớt độ nét của ảnh chụp.
Kính tạo sương mù (fog filter) là một tấm thủy tinh hay plastic có cẩn hay khắc nhiều hạt nhỏ li ti để phân tán ánh sáng đi khiến cho hình ảnh sẽ giống như chụp qua sương mù, độ tương phản sẽ giảm bớt, độ nét sẽ dịu đi, màu sắc sẽ bớt thắm rực và các đốm sáng mạnh trong khung cảnh sẽ có quầng mờ nhòe bao quanh như là hào quang. Kính tạo sương mù được sản xuất theo nhiều độ nặng nhẹ khác nhau nhưng ta cũng có thể thay đổi hiệu quả bằng cách thay đổi thời chụp. Mở khẩu độ càng lớn hay để tốc độ càng chậm thì “sương mù” càng… dày đặc.
Kính tán quang (diffusion filter) tạo ra hình ảnh có độ nét dịu mờ bằng cách thay đổi khúc xạ của ánh sáng. Một số tia sáng sẽ xuyên thẳng qua kính lọc và cho hình ảnh rõ nét trong khi một số tia sáng khác bị khúc xạ sẽ tạo ra một hình ảnh thứ hai mờ nhòe in chồng lên hình ảnh thứ nhất. Sự kết hợp giữa rõ nét và mờ nhòe tạo ra hiệu quả mờ dịu, hình ảnh giống như ửng sáng, và các khu vực sáng nhạt của hình ảnh sẽ lan vào các khu vực sậm tối. Các kính lọc này hoàn toàn làm giảm độ tương phản của hình ảnh cho nên tốt nhất nên chụp với kính lọc này trong nguồn sáng thật tương phản để bù lại.
Kính tán quang cũng được sản xuất theo nhiều độ nặng nhẹ khác nhau. Với một số loại, hiệu quả mờ dịu sẽ biến mất nếu đóng khẩu độ nhỏ hơn f/8. Các kính tán quang chất lượng cao luôn cho hình ảnh vừa rõ nét vừa mờ dịu nhưng các loại rẻ tiền sẽ làm giảm bớt độ nét chung của toàn hình ảnh. Một số kính tán quang hảo hạng như loại Soft/FX của hãng Tiffen rất được các nhà nhiếp ảnh chân dung ưa chuộng vì nó làm dịu đi những chi tiết tinh tế của người mẫu như là nếp nhăn hay tàn nhang trong khi vẫn giữ được độ nét chung.
Nói đến kính lọc kỹ xảo thì không thể không nhắc đến hãng Cokin của Pháp. Hãng này sản xuất nhiều loại kính lọc kỹ xảo nhất thế giới (tổng cộng hơn 300 loại) với đủ loại màu sắc, hiệu quả và công dụng từ hiện thực cho đến… khoa học viễn tưởng.

Hệ số kính lọc

Kính lọc nói chung sẽ cản bớt một phần lượng sáng đi qua ống kính cho nên khi sử dụng kính lọc ta phải gia giảm thời chụp để phim được lộ sáng đúng. Tùy theo loại kính lọc khác nhau mà mức gia giảm thời chụp cũng thay đổi cho nên các nhà sản xuất thường in hay khắc một hệ số trên vành kính lọc để ta biết mà điều chỉnh thời chụp cho phù hợp. Hệ số này gọi là hệ số kính lọc (filter factor) thường là 2x, 4x, 8x, và 16x. Kính lọc có hệ số 2x sẽ làm lượng sáng đi qua ống giảm mất một nửa (một thời chụp) nên ta phải mở thêm một nấc khẩu độ hay cho chậm đi một nấc tốc độ. Tương tự, kính lọc có hệ số 4x sẽ làm giảm đi hai thời chụp (hai nấc khẩu độ hay tốc độ), 8x sẽ giảm ba và 16x sẽ giảm bốn.
Kính lọc UV/Haze/Skylight có hệ số bằng 1 tức là không hề làm giảm lượng sáng đi qua ống kính. Kính lọc màu vàng trung bình (No.8) thường có hệ số 1.5x hay 2x, kính pola thường có hệ số 4x, kính lọc màu đỏ (No.25) có hệ số 8x.

Xử lý kính lọc

Kính lọc được sản xuất dưới nhiều dạng: dạng gelatin mỏng dính (giống như giấy bóng kiếng), dạng gelatin ép trong thủy tinh, dạng thủy tinh ép với chất keo nhuộm màu, dạng thủy tinh hoàn toàn và dạng làm bằng plastic.
Kính lọc dạng gelatin cho màu rất chính xác và (khi còn mới và sạch) có chất lượng quang học tuyệt hảo. Kính lọc loại này được bán thành từng miếng và ta có thể cắt theo bất kỳ kích thước hay hình dạng nào ta muốn. Nhưng kính lọc loại này rất dễ bị hư hỏng và khi bị dính bẩn rất khó chùi sạch. Các nhà nhiếp ảnh quảng cáo trên thế giới thường dùng kính lọc gelatin hiệu Wraten của Kodak.
Kính lọc dạng gelatin ép trong thủy tinh khó bị hư hỏng hơn loại gelatin bình thường và có thể lau chùi dễ dàng. Nhược điểm của chúng là mắc tiền hơn và chất lượng sẽ giảm theo thời gian. Các loại kính lọc dạng này của hai hãng Tiffen và Harrison & Harrison cũng rất được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên thế giới ưa chuộng.
Kính lọc thủy tinh hoàn toàn không có các nhược điểm của hai loại kể trên nhưng khó cho màu chính xác. Một số hãng sản xuất như B+W xử lý màu trên kính lọc rất tốt. Kính lọc hoàn toàn thủy tinh mỏng và nhẹ hơn kính lọc thủy tinh ép keo nhuộm. Các kính lọc thủy tinh hảo hạng đều được phủ lớp chống lóe (anti-reflection) giống như các lớp chống lóe phủ trên các thấu kính của ống kính cho nên chất lượng hình ảnh rất tốt.
Các kính lọc làm bằng plastic bền hơn kính lọc gelatin rất nhiều nhưng không bền bằng kính lọc thủy tinh. Dù vậy chất lượng quang học và độ bắt màu của chất liệu plastic rất tốt. Hầu hết các kính lọc của hãng Cokin đều làm bằng chất liệu này.
Muốn sử dụng kính lọc gelatin, ta phải kép miếng gelatin trong khung cứng và nhét khung này vào một ngăn chứa gọi là holder. Holder này sẽ được vặn vào đầu ống kính bằng một vòng nối (adapter ring).
Với các loại kính lọc thủy tinh thì ta chỉ việc vặn thẳng vào đầu ống kính; rất tiện lợi nhưng sẽ bị hạn chế nhiều nếu kính lọc đó là kính lọc chuyển sắc (graduated) – khu vực chuyển sắc luôn luôn nằm ngay giữa hình ảnh. Nếu ta có nhiều ống kính có đường kính lớn nhỏ khác nhau, nên mua những kính lọc vặn vừa khít vào đầu ống kính lớn nhất ta có, và dùng những vòng nối từ nhỏ ra lớn (step-up ring) – ví dụ 58-62mm – để gắn các kính lọc ấy vào đầu những ống kính có đường kính nhỏ hơn. Vặn vòng nối vào đầu ống kính nhỏ và vặn kính lọc vào vòng nối. Tương tự, ta cũng có thể dùng những vòng nối từ lớn xuống nhỏ (step-down ring) – ví dụ 52-49mm – để gắn một kính lọc nhỏ vào đầu một ống kính có đường kính lớn hơn. Nhưng trong trường hợp này coi chừng hình ảnh khi chụp sẽ bị khuyết góc (vignette) tức là bốn góc sẽ bị đen. Ta có thể đóng khẩu độ ống kính lại và nhìn kỹ bốn góc của khung hình trong kính ngắm để kiểm tra.
Loại kính lọc bán theo bộ (filter system) hiện nay rất phổ thông. Một bộ kính lọc như vậy có một holder, nhiều vòng nối có đường kính lớn nhỏ khác nhau để gắn holder vào đầu đủ loại ống kính, và vô số kính lọc đủ màu đủ kiểu. Loại này cũng rất tiện vì ta chỉ cần một holder và một bộ kính lọc duy nhất để dùng chung cho các ống kính đủ cỡ. Nếu gắn sẵn các vòng nối tương ứng vào đầu các ống kính ta có thì ta chỉ cần rút cả holder lẫn kính lọc từ bất kỳ ống kính nào hiện không sử dụng để gắn cho ống kính đang cần tới.

Nguồn: Sưu tầm

 
Page: 1     Lần đọc: 87344 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc