http://www.vnuspa.org
Máy Ảnh Deardorff


Trong ngành nhiếp-ảnh nói chung, máy 35 mm gần như độc chiếm thị-trường, kế đó là máy cỡ trung (chụp ra âm-bản cỡ 4.5 x 6 cm tới 6 x 9 cm). Người ta ước tính, năm 1995, có đến khoảng 98% máy ảnh có trang-bị điện-tử và nếu kể tất cả các loại máy hiện có trên thị-trường, ta có đến hơn 400 loại ! Máy không trang-bị điện-tử bị coi là lạc-hậu, cổ lỗ sĩ, lý đình dù... đáng bỏ vào viện bảo-tàng Smithsonian ở Washington D.C.

Nhưng không phải máy nào cũng chạy theo trào-lưu điện-tử. Không phải công-tác nhiếp-ảnh nào cũng có thể sử-dụng máy 35 mm hay máy cỡ trung. Và không phải loại máy nào cũng phải thay đổi kiểu vài năm một lần... Trong chiều-hướng này, chúng tôi muốn đề-cập đến loại máy ảnh cỡ lớn, âm-bản 4" x 5" trở lên và hoàn toàn không có một chút trang-bị điện-tử nào... Một trong những hãng sản-xuất kiểu máy đó là Deardorff.

Ta đều biết rằng khi âm-bản càng lớn thì khi phóng ảnh, ta được ảnh có phẩm-chất cao hơn; phẩm-chất này gồm có hình ảnh sắc nét, chi-tiết rõ ràng và đầy đủ; nếu là ảnh đen trắng, sắc-độ chuyển-biến đều đặn và đầy đủ từ đen sang trắng, đen trắng phân-minh hoặc nếu là phim ảnh màu thì màu sắc phân-minh, trung-thực, đầy đủ từng chuyển biến mật-độ màu. Mà âm-bản càng lớn thì máy càng phải lớn, càng phải cồng-kềnh, càng nặng. Những cỡ âm-bản lớn thông-dụng là 4" x 5", 5" x 7", 8" x 10", 11" x 14"...

Khi chụp máy lớn, cần nhiều thời-gian sửa soạn hơn bất cứ loại máy nào khác : ta phải bắt máy lên chân máy (mà chân máy thì lớn, nặng, cồng kềnh...), mở máy ra, chỉnh phối-cảnh, chỉnh cho sắc nét (cả hai việc này, giới nhiếp-ảnh cỡ nhỏ và cỡ trung chỉ cần làm một việc, gọi chung là lấy nét, nghĩa là xoay ống kính qua, lại cho đến khi thấy nét), dời máy vài ba lần, chỉnh lại và ba lần, đo sáng, chỉnh ống kính (mở, chỉnh, đóng... ), gắn kính lọc, gắn phim... rồi mới chụp. Trong khi chỉnh ta phải trùm tấm vải đen (trông như cái... mền !) cho tối phía bửng sau máy, thì mới chỉnh được. Tất cả công việc trên, nhanh lắm thì cũng phải 15 phút, còn chậm thì... tùy bạn !

Từ ngày nhiếp-ảnh được phát-minh đến nay, người ảnh dùng cỡ phim lớn vẫn phải làm như vậy. Bất cứ ta phân-tích cách nào, máy cỡ lớn cũng chỉ có bốn phần : bửng trước để gắn ống kính, bửng sau để gắn phim và một buồng tối có thể chỉnh dài ngắn tùy nhu-cầu, tất cả nối tiếp nhau qua một "đường rầy" hoặc một "cánh phản". Vì cấu-tạo giản-dị như vậy nên máy ảnh cỡ lớn, hàng trăm năm vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Do đó máy sản-xuất cách đây năm bẩy chục năm hay vừa sản-xuất hôm qua công-dụng cũng như nhau, trông cũng giống nhau, cách sử-dụng cũng chẳng khác gì nhau. Và không phải vì vậy mà máy ảnh cỡ lớn trở thành lạc-hậu, cổ-lỗ-sĩ, lý đình dù...

Có hai loại máy cỡ lớn, Anh ngữ gọi là máy "view" và máy "field", nguyên-tắc giống hệt nhau, nhưng máy view thường cồng-kềnh hơn nhưng uyển-chuyển hơn trong việc chỉnh phối-cảnh, thường được dùng để chụp sản-phẩm trong phòng chụp, còn máy field xếp lại gọn ghẽ và nhẹ nhàng hơn, nhưng ít uyển-chuyển hơn trong việc bẻ đầu bẻ đuôi, thường được bỏ trong túi đeo lưng, đem ra chụp các kiến-trúc, các di-tích lịch-sử, hay cuốc bộ vào rừng, núi chụp phong-cảnh.

Ðặc-điểm của máy cỡ lớn là ta có thể chỉnh được hầu hết các bộ-phận của máy, đến một giới-hạn nào đó. Sự hơn kém là giới-hạn đó nhiều hay ít, sự chính xác và tính bền chắc. Ta có thể chỉnh các bộ-phận sau :

* Bửng trước : bẻ xuống, bẻ lên, bẻ phải, bẻ trái ở vị-thế bình thường (nghĩa là tâm ống kính ngang hàng với tâm âm-bản, nhìn ngang cũng như nhìn xuống). Ta cũng có thể chỉnh lệch ống kính sang phải, sang trái, nâng lên, hạ xuống với tất cả các kiểu bẻ kể trên, tổng cộng 20 vị-trí.

* Bửng sau : cũng như bửng trước, có 20 vị-trí.

* Phối hợp cả bửng trước và sau, ta có tổng-cộng 400 vị-trí (20 x 20 = 400).

Tất cả máy view đều làm được việc này, nhưng chỉ có một thiểu-số máy field có đầy đủ những đặc-điểm đó. Máy view và field đều có thể được làm bằng kim-loại hoặc bằng gỗ.

Bằng gỗ ? Thưa đúng như vậy, bằng gỗ.
(Tiếp theo)