Máy Ảnh Zeiss Ikoflex (
05/08/08)
Hãng Zeiss Ikon nổi tiếng khắp thế-giới về ống kính và máy ảnh đơn kính, nhưng không được thế-giới biết đến nhiều trong lãnh-vực sản-xuất máy ảnh song kính phản-chiếu (TLR : Twin Lens Reflex). Lãnh-vực máy song kính này, đã có vài kiểu được chế-tạo vào cuối thế-kỷ 19, nhưng không gây được nhiều tiếng vang, mà phải cho đến năm 1929, khi Franke và Heidecke chế-tạo ra chiếc máy ảnh song kính Rolleiflex thì công-dụng và uy-tín của máy song kính mới được dân nhiếp-ảnh nể trọng.
Khi Rolleiflex ra đời, ống kính trang-bị cho Rolleiflex là Zeiss Tessar và ống kính trang-bị cho Rolleicord là Zeiss Triotar, cả hai ống kính này đều do Carl Zeiss sản-xuất, do đó khi Zeiss sản-xuất máy song kính thì Rollei đã có tiếng rồi, Zeiss cũng không muốn cạnh-tranh trực-diện với Rollei nên chiếc máy song kính đầu tiên của Zeiss làm giống cái máy Voigtlander Superb, không giống kiểu Rollei vì Zeiss muốn "né" Rolleiflex.
ZEISS "IKOFLEX I" (kiểu 850/16), sản-xuất năm 1934-1936.
Chiếc máy Ikoflex đầu tiên được chế-tạo năm 1934, 5 năm sau Rolleiflex, được dân thời đó kêu là cái "cối xay cà-phê" vì hình-thể và kích thước của chiếc máy đó. Máy hình khối chữ nhật, kích thước 130 mm x 92 mm x 95 mm, cân nặng 1.08 kg. Thân máy đúc bằng nhôm, khá dầy.
Lớp "da" bọc máy không phải bằng da mà bằng vải giả da. Máy hoàn toàn màu đen, ngoại trừ vài cái núm, niềng mạ kền sáng trắng. Tên hãng Zeiss Ikon không khắc chìm hay nổi phía trước thân máy mà lại xuất-hiện một cách khiêm-nhường trên tấm lắc dính vào bửng nắp máy. Thân máy cũng không có số kiểu nhận chìm vào vỏ máy (như máy Zeiss Ikonta), còn số máy thì phải mở đáy máy ra, tìm kỹ ở phía trong mới thấy. Ta có thể nhận thấy sự khiêm nhường của Zeiss đối với Rollei !
Muốn ráp phim, ta phải mở đáy máy rời hẳn ra, bấm một cái nút sau lưng máy và bộ-phận ráp phim rơi ra; ta lắp phim vào đó, quay tới mũi tên chuẩn, đẩy vào lòng máy rồi gắn đáy máy vào. Cửa sổ đọc thứ-tự phim từng tấm, màu đỏ, đặt ở phía sau lưng máy, bên trái. Khi lấy nét, ta vặn một bánh xe phía trái máy, dời cả tấm bửng trước (nơi gắn ống kính và màng trập) tới hay lui... Cần lên phim ở phía dưới đáy máy, phim di-chuyển ngang và có hai cửa sổ đọc thứ-tự phim, từng tấm; một để đọc cỡ phim 120 (phim lõi lớn, đọc nơi cửa sổ có chữ "Met", viết tắt của Metal), cửa sổ bên kia để đọc phim cỡ 620 (phim lõi nhỏ; nhưng trong máy Ikoflex này, hãng đã để sẵn một cái lõi gỗ). Phim cỡ 120 hay 620 cũng đều chụp được 12 tấm cỡ 6 cm x 6 cm.
Máy có thể được trang-bị một trong bốn loại ống-kính chụp sau đây (ống kính quan-sát, ở phía trên ống kích chụp, không chỉ-danh gì cả) :
* Kiểu máy 850/16E trang-bị ống kính Novar 80 mm f/6.3, màng trập Derval Everset, tốc-độ T, B, 1/25, 1/50 và 1/100.
* Kiểu máy 850/16I trang-bị ống kính Novar 80 mm f/4.5, màng trập như trên.
* Kiểu máy 850/16IK trang-bị ống kính Novar 80 mm f/4.5, màng trập Klio, tốc-độ T, ST, B và từ 1 tới 1/125 giây.
* Kiểu máy 850/16CR trang-bị ống kính Novar 80 mm f/4.5, màng trập Compur Rapid, tốc-độ T, B và từ 1 tới 1/500 giây.
Ống kính Novar không do Carl Zeiss hay Zeiss Ikon chế-tạo mà lại đặt hãng Steinheil ở Munich làm. Các phụ-tùng của máy Ikoflex không phải do Carl Zeiss chế-tạo, mà lại do Zeiss Ikon.
Khi tung ra thị-trường, máy Ikoflex được giới tiêu-thụ tán-thưởng ngay, mặc dù hình dáng trông dị hợm, nặng nề và máy cũng còn một số khuyết-điểm... Sự thành-công chắc là quá cả sự mong mỏi của Zeiss, do đó trong đợt hai, Zeiss cải-biến toàn-diện chiếc máy, về kiểu máy cũng như về ống kính. Khi đợt hai được sản-xuất, những máy sản-xuất trước đó mới được chính-thức gọi là Ikoflex I và máy đợt I vẫn còn được bán cho đến tận 1939.
Những máy Ikoflex I thường được dân tiêu-thụ sử-dụng nhiều nên gần như không ai tìm được máy cũ ở tình-trạng tốt. Nhận dạng : ống kính Novar; nhìn từ phía trước, bửng trước nổi ra, hình lục-giác kéo dài theo chiều đứng, dáng máy thô kệch, nặng...
(
Tiếp theo)