Bố cục trong nghệ thuật nhiếp ảnh
Một đề tài tưởng như đơn giản
mà rất phức tạp cũng như không thể định dạng thành tiêu chuẩn thế nào là
một bố cục đẹp. Ðơn giản vì nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật không
ngừng phát triển và những gì chúng ta "nghĩ rằng" là "tiêu chuẩn" của
ngày hôm này thì rất có thể ngày mai đã lại là quá khứ.
Luật bố cục 1/3 hoàn toàn chỉ là bước căn bản cho ta khái niệm
thế nào là một bức ảnh cân đối mà thôi. Vậy thì bố cục của nghệ thuật
nhiếp ảnh nằm ở đâu?
Ðể có thể hiểu được điều này thì đầu tiên
ta cần phải thống nhất được với nhau thế nào là nghệ thuật trong nhiếp
ảnh? Nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần để ghi lại một khoảnh khắc nào đó
trong cuộc sống bởi vì như thế ngay sau giây phút bạn bấm máy thì tấm
ảnh ấy đã thuộc về quá khứ, hay nói một cách khác:
hình ảnh đã chết. Hơn
nữa với các kỹ thuật tiên tiến hiện tại thì việc ghi lại một hình ảnh
không còn là đặc quyền của các nhiếp ảnh gia nữa mà với bất kỳ một thiết
bị điện tử nào bạn cũng có thể ghi chép lại cuộc sống một cách đơn giản
và nhanh chóng.
Ở đây tôi dùng từ "ghi chép" để phân biệt với "nghệ thuật" trong nhiếp ảnh. Những
bố cục hoàn chỉnh, hình ảnh sắc nét, mầu sắc bão hoà...đó là những tấm
ảnh đẹp - những post card mà bạn có thể mua ở bất kỳ đâu trên đường du
lịch. Nhưng đó lại không phải là ảnh nghệ thuật.
Giống như hội
hoạ, nghệ thuật trong nhiếp ảnh có thể được hiểu như một cách nhìn nhận
về thế giới xung quanh một cách sáng tạo và độc đáo, là cách tuyên bố về
một hướng sáng tạo mới của cá nhân hay của một tập thể, một cách hướng
con người ta tới cái đẹp hoàn mỹ của tâm hồn, một cách phản ánh lại cuộc
sống sinh động nhất. Ðó là những suy nghĩ của riêng cá nhân tôi. Nghệ
thuật trong nhiếp ảnh là nghệ thuật của những xúc cảm trong khoảnh khắc.
Ta không thể nào tìm cách giữ lại một sự việc đang chuyển động mãnh
liệt, điều ấy là vô ích, nhưng nhiếp ảnh có thể giúp ta giữ lại những
cảm xúc tràn đầy sự sống. Những khoảnh khắc bất tử.
Vậy thì bố cục trong nhiếp ảnh thế nào là nghệ thuật?
Tôi xin được mạnh rạn trả lời rằng không có bố cục tiêu chuẩn trong nhiếp ảnh. Nếu
bạn chụp ảnh mà chỉ nhăm nhăm tìm cách ép buộc sự vật vào trong một
khuôn hình định kiến thì có nghĩa rằng bạn đang bắt sự vật tồn tại theo
cách của bạn chứ không tự nhiên như nó vốn có. Ðể có thể sáng tạo bạn
hãy nhìn sự vật như tồn tại của nó, hãy tự đặt mình vào trung tâm của sự
vật và nhìn lại chính mình. Bạn đang nói với tôi về những đường nét chủ
đạo, về cách dẫn dụ điểm nhìn, về sự chiều động trong tấm ảnh...bạn
không hề sai nhưng nếu ta chỉ "nhìn" thấy những điều ấy mà thôi thì có
nghĩa là ta mới chỉ nhìn thấy hình thức của nghệ thuật. Mà nghệ thuật
lại là nội dung bên trong của hình thức.
Le Baiser, Bordighera 1982
© Helmut Newton
Bạn
chụp một tấm ảnh khoả thân. Người mẫu đẹp và những đường nét tuyệt vời
được khai thác tối đa, được tôn lên bởi ánh sáng...điều ấy chưa phải là
tât cả nếu như người mẫu chỉ còn là những phân mảnh của ánh sáng trong
tấm ảnh của bạn. Ta cần cảm thấy được sức sống trong ấy, ta cần cảm thấy
sự khát khao về cái đẹp. Ðiều ấy thì riêng bố cục chưa làm được.
Ðể có thể sáng tác nghệ thuật thật sự bạn cần học chắc những kỹ thuật căn bản rồi quên chúng đi trong khoảnh khắc bấm máy. Hãy
để cho chính tâm hồn và trái tim của bạn mách bảo. Chỉ có khoảnh khắc
là bất tử người nghệ sĩ là hư không. Nếu bạn xem các tác phẩm nhiếp ảnh
của các nhiếp ảnh gia lừng danh thế giới thì sẽ thấy rằng bố cục trong
những tấm ảnh nổi tiếng thường lại rất tự do. Thế nhưng điều mà chúng ta
có thể nhận ra là sự xao xuyến trước một cái đẹp vô cùng của nghệ
thuật, của chính tâm hồn mình.
Bạn muốn cảm nhận được cái đẹp
bên trong thì hãy tạm quên cái tôi của mình đi chốc lát, tạm quên những
định kiến của xã hội đi chốc lát. Kỹ thuật là cứu cánh nhưng nghệ thuật
mới đích thực là có cánh.
Bố cục trong nhiếp ảnh nghệ thuật là không có bố cục. Vậy thôi.
Le Baiser de l'Hotel de Ville, Paris, 1950
Copyright © Robert Doisneau