Một máy ảnh thay ống kính, dù có hay không có gương lật, thường khá khó
sử dụng với những người mới bắt đầu do nó có quá nhiều nút và nhiều
chức năng để chỉnh.
Chuẩn bị: |
Thiết bị: Bất kỳ máy ảnh thay ống kính nào. Mục tiêu: Nắm vững được những phần cơ bản của một máy ảnh thay ống kính và cách cầm máy khi chụp ảnh. Thời gian: 10 phút. |
Một khi đã hiểu những khái niệm cơ bản, người chụp sẽ thấy các nút chức năng trên DSLR được bố trí khá khoa học và dễ hiểu.
Bài dưới đây sẽ trình bày những gì cơ bản nhất thường có trên một máy
ảnh thay ống kính. Dù về cơ bản là giống nhau, nhưng người đọc cũng cần
lưu ý là ở những máy khác nhau, các nút có thể được bố trí ở những vị
trí khác biệt.
Mặt trước
|
Những nút chế độ ở mặt trước máy ảnh. Ảnh: Cnet. |
Ở mặt trước của máy ảnh, bạn sẽ thấy điều đầu tiên đập vào mắt là vòng
lắp ống kính. Ðây là nơi bạn phải lắp ống kính trước khi có thể chụp
được ảnh. Lưu ý, các máy ảnh khác nhau sẽ có ngàm ống kính khác nhau và
ống kính dành cho máy ảnh nào chỉ có thể lắp trên máy ảnh đó. Thông
thường, trên ống kính sẽ có các điểm trên cả thân máy và ống kính để
giúp người dùng xác định được khớp lắp đầu tiên.
Nút tháo ống kính thường bố trí ngay cạnh viền ống trên thân máy. Khi
lắp ống kính và xoay, bạn sẽ nghe một tiếng "tách" báo hiệu ống kính đã
khớp vào thân. Khi tháo ống, chỉ việc bấm nút tháo và xoay ống ngược
chiều với chiều vừa lắp vào.
Nút xem trước độ sâu trường ảnh (DOF preview) khá thông dụng trên các
máy ảnh DSLR trong khi lại thiếu vắng ở những máy ảnh không gương lật.
Khi bấm nút này, máy ảnh sẽ khép độ mở về đúng thông số đã đặt để giúp
người chụp xác định trước độ sâu trường ảnh của bức ảnh sẽ chụp.
Ðèn hỗ trợ lấy nét sẽ tự động chiếu sáng lên đối tượng trong điều kiện
ánh sáng tối để giúp cảm biến nét của máy ảnh bắt nét được tốt hơn. Tuy
nhiên, nếu không muốn ảnh hưởng tới đối tượng chụp, đèn này có thể tắt
trong menu.
Mặt trên
|
Các chế độ ở mặt trên. Ảnh: Cnet. |
Vòng xoay chế độ trên mặt trên giúp người chụp chuyển đổi giữa các chế
độ chụp. Các chế độ thông dụng nhất được đặt trên vòng xoay này là chế
độ tự động, ưu tiên cửa trập, ưu tiên độ mở và chỉnh tay hoàn toàn
(thường ký hiệu tương ứng bằng các chữ cái P, A, S, M hoặc P, Av, Tv,
M).
Bên cạnh vòng xoay chế độ là nút chụp ảnh. Chức năng của nút chụp này
chắc chắn đã quá rõ ràng vì tương tự như trên máy ảnh du lịch: dùng để
lấy nét và chụp.
Khe cắm đèn dùng để gắn đèn flash ngoài. Một số nhà sản xuất hiện còn
làm thêm một số phụ kiện có thể lắp trên khe này như thước cân bằng
chẳng hạn.
Hầu hết các máy thay ống kính sơ cấp đều có sẵn đèn flash tích hợp. Ðèn
này được bật bằng một nút ở ngay cạnh đèn mặt trên của máy ảnh với biểu
tượng tia chớp.
Mặt sau
|
Mặt sau máy ảnh. Ảnh: Cnet. |
Chiếm phần lớn mặt sau là màn LCD và một số nút chức năng khác. Các nút
này thông thường bao gồm các nút điều hướng, xem lại ảnh, nút xóa ảnh. Ở
trên, một số máy đời mới hơn có thể có thêm nút xem sống Live View hoặc
nút quay video.
Phía trên màn LCD là khung ngắm quang để căn hình chụp ảnh. Ở những máy
không gương lật hoặc một số DSLR đời mới có chức năng LiveView, người
chụp có thể căn khung bằng màn LCD thay vì khung ngắm quang.
Nút xem lại ảnh thường được ký hiệu bằng hình tam giác quay sang phải,
giúp xem lại những bức ảnh vừa chụp. Nút Menu dùng để truy cập vào các
tính năng sâu hơn của máy ảnh hoặc để hiệu chỉnh những thông số khác như
độ phân giải hoặc các tính năng khác.
Nút điều hướng hoặc vòng xoay điều hướng giúp duyệt giữa các tính năng
khác nhau của menu và cũng là nút duyệt xem các ảnh đã chụp. Thông
thường, các nút này còn có thêm chức năng là các "phím nóng" để truy cập
nhanh các tùy chỉnh thông dụng như ISO, lấy nét hay cân bằng trắng.
Mặt dưới và cạnh bên
|
Các cổng giao tiếp và khe cắm pin. Ảnh: Cnet. |
Mặt dưới đáy của máy là khe cắm pin. Ở một số phiên bản, nhà sản xuất
có thể tích hợp thêm khe cắm thẻ. Nếu khe cắm thẻ không ở trong khe cắm
pin thì thường được bố trí ở bên sườn máy ảnh. Sườn máy ảnh còn là nơi
có các cổng USB, cổng A/V hoặc thậm chí cổng mini-HDMI trên một số phiên
bản đời mới.
Cách cầm máy đúng
|
Cách cầm máy đúng ở bên trái. Ảnh: Cnet. |
Không giống như máy ảnh du lịch, máy ảnh thay ống kính nếu không cầm
đúng cách có thể khiến ảnh bị rung hoặc giảm độ sắc nét của ảnh. Cách
cầm tiêu chuẩn là tay cầm chính luôn nắm vững phần nhô ra của máy ảnh,
trong khi tay còn lại đỡ dưới ống kính.