About Us
Main menu
Số truy cập: 80745105
Máy Ảnh Kodak Retina
(05/08/08)


Khi nghe nói đến máy ảnh Kodak, thoáng trong đầu chúng ta nghĩ đến một kiểu máy bình-dân, sản-xuất hàng loạt, phẩm-chất tầm thường... khi so sánh với những cái tên quen thuộc và đã từng nổi tiếng một thời như Alpa, Contarex, Contax, Leica, Rolleiflex, Zeiss Ikon v.v... Nhưng quả thật, đã có một thời, Kodak chế-tạo một loạt máy có phẩm-chất tốt tại Stuttgart Ðức, dùng ống kính Schneider, hoặc Rodenstock, Zeiss hoặc Angénieux... mà cả nửa thế-kỷ sau, máy vẫn vận-hành như mới, hình ảnh chụp ra vẫn sắc nét... Ðó là máy Kodak Retina.

Máy Retina dùng phim 35 mm (cỡ 135), chụp ra âm-bản 24 x 36mm, nguyên là loại máy xếp, theo kiểu những máy ảnh cỡ trung 6 x 6 cm, 6 x 9 cm... Máy hình khối dẹp, có một cái cửa phía trước máy ảnh để che ống kính và buồng tối. Muốn mở máy, ta bấm một nút trên cánh cửa đó rồi mở ra, ống kính từ trong thân máy theo cánh cửa mở, trình ra... lạ và đẹp. Retina là một minh-chứng cho thấy máy xếp 35 mm đẹp, chính-xác và bền bỉ, vì sau một nửa thế-kỷ mở và đóng như vậy, máy vẫn vận-hành và thu nhận hình ảnh như mới đem từ hãng ra. Ngày nay, nếu ta tìm mua được một chiếc Retina, chỉ ngồi mà "ngắm" và "mầy mò" thôi... hàng giờ cũng không chán !

Chuyện khởi đầu khoảng cuối thập-niên 20, George Eastman, tổng giám-đốc Kodak ở Mỹ nhận chân được một sự thật là, với cái đà lương-bổng của công-nhân Mỹ tăng phi mã và những rắc rối lao-động xẩy ra dài dài, một ngày nào đó Kodak sẽ không thể nào sản-xuất được máy ảnh có phẩm-chất tốt và giá hạ để bán cho công chúng nữa. Chỉ-thị được rỉ tai cho giám-đốc Kodak Limited ở Anh kín đáo theo dõi mọi diễn-biến nhiếp-ảnh ở lục-địa Âu Châu... Ông này bèn lẳng lặng nhắm vào từng hãng và báo-cáo tình-hình về cho Kodak Rochester.

Chủ-trương của Kodak thời đó là tìm mua một hãng đang chế-tạo máy ảnh ở Âu Châu có uy-tín, phẩm-chất tốt, giá hạ... để sản-xuất máy xuất-cảng sang Mỹ (và cả thế-giới), vì nhân-công Âu Châu dù sao cũng không đắt bằng nhân-công Mỹ và tranh-chấp lao-động cũng không rắc rối bằng.

Năm 1932, thể theo đề-nghị của Kodak Limited bên Anh, Kodak Rochester mua hãng "Nagel Camerawerk" của tiến-sĩ August Nagel, tại Stuttgart. Nagel là một khoa-học-gia, một tay phù-thủy trong ngành chế-tạo máy ảnh, nguyên là giám-đốc của hãng Drexler & Nagel ở Stuttgart (một hãng trong tổ-hợp Zeiss Ikon ở Ðức). Thời đó kỹ-nghệ máy ảnh Ðức đã nổi tiếng trên khắp thế-giới, Nagel lại là một nhân-vật được giới chế-tạo máy ảnh Ðức nể vì... và đang sản-xuất một số máy ảnh có tiếng ở lục-địa Âu-Châu. Nagel Camerawerk có đầy đủ yếu-tố để trở thành mục-tiêu của Kodak.

Tuy tình-hình kinh-tế Ðức bấy giờ không khốn đốn lắm nhưng cũng chẳng phồn-thịnh gì và riêng Nagel, mặc dù chưa khốn đốn về tài-chính, nhưng nếu được sự hỗ-trợ của Kodak, mà uy-tín bao trùm thế-giới và nguồn tài-chính hỗ-trợ gần như bất-tận, lại được dịp xuất-cảng sản-phẩm của mình sang thị-trường mênh-mông của Mỹ... làm Nagel cũng xiêu lòng và thuận bán hãng cho Kodak và Kodak cũng thuận để ông tiếp-tục điều-khiển hãng cũ của ông, theo ý của ông.

Ngay khi hợp-đồng vừa ráo mực, những kiểu máy đã có tiếng của Nagel Camerawerk như Recomar 6 x 9 cm (dùng phim miếng), Pupelle (chụp được 16 tấm, dùng phim cỡ 127), Vollenda (gồm hai loại, một loại chụp ra âm-bản cỡ 3 x 4 cm, phim cỡ 127; một loại dùng phim cỡ 120 hoặc 127 chụp ra âm-bản cỡ 4.5 x 6 cm hoặc 6 x 9 cm) và Duo-Six 20 (chụp được 16 tấm 4.5 x 6, dùng phim cỡ 620)... mang nhãn-hiệu Kodak được xuất-cảng tới tấp sang Mỹ.

Thời bấy giờ, chỉ tiêu của Leica là bán 16 700 máy hàng năm, trong số đó có 12% bán ở Mỹ, giá khoảng 200 $US một chiếc. Tuy không nhiều so với số-lượng máy bán ngày nay, nhưng đó là thời kinh-tế khủng-khoảng. Giới doanh-thương nhìn thấy thời "hạ-nguơn" đang từ từ qua đi và thị-trường Mỹ sẽ bốc lên cực thịnh, chào đón... Contax cũng nhìn thấy điều đó và cố gắng cạnh-tranh với Leica, nhưng thương-vụ của Contax chỉ có 8 000 máy tối-đa. Kodak và Nagel cố gắng nắm lấy thị-trường ấy bằng một kiểu máy nhỏ, gọn, phẩm-chất không thua gì Leica và Contax nhưng giá rẻ hơn nhiều và vì Kodak có sẵn một hệ-thống phân-phối trên khắp đất Mỹ nên máy sẽ bán chan-hòa trên thị-trường Mỹ.

Kiểu máy đó là Kodak Retina, do Nagel sản-xuất tại Kodak Stuttgart, Ðức và do Kodak Rochester nhập-cảng vào Mỹ.

Tháng 12 năm 1934, Kodak thông-báo sự ra đời của máy Kodak Retina.... Máy này rẻ tiền (giá 52.50 $US), giản-dị (dùng phim cuộn 35 mm bán sẵn trên thị-trường, không như Leica và Contax, phải dùng lõi riêng để chứa phim), dễ sử-dụng... Retina chứng tỏ là Kodak nhắm trúng thị-hiếu của dân tiêu-thụ khi tung ra thị-trường loại Retina và máy này thành-công tức thì, trước sau bán tổng-cộng gần ba triệu chiếc máy !

Nhưng sự thành-công của Retina chỉ là một phần nhỏ trong thành-công toàn-bộ của Kodak, thành-công ấy làm cho chính Kodak ngạc-nhiên : tiền bán máy chỉ thu được có một lần, nhưng sự thành-công của Retina làm cho rất nhiều hãng của Ðức và Nhật bắt chước theo, chế-tạo máy dùng phim 35 mm và Kodak cứ tiếp-tục bán phim 35 mm suốt bẩy chục năm nay và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Ảnh-hưởng của máy Retina mạnh đến như vậy !

Retina được khai-sinh từ 1934, theo tài-liệu chúng tôi thu-thập được thì Retina có tổng-cộng gần 40 kiểu, thành-công đến độ rất nhiều hãng chế-tạo máy ảnh trước và sau đệ nhị thế-chiến đã cóp kiểu để tranh dành thị-trường... chỉ loại máy xếp thôi, trước sau có đến gần hai chục hãng !

Chúng tôi xin cống-hiến quý bạn đọc hồ-sơ cũ về Kodak Retina như sau.

Về chỉ-danh, Retina được chia thành từng loại như "loại I", "loại II", "loại S" v.v... mỗi loại lại có nhiều kiểu như "Retina IIC, kiểu 029", "Retina IIF, kiểu 047" v.v... do hãng sản-xuất Kodak Stuttgart tại Ðức (tức là Nagel Camerawerk trước kia) chỉ-định.

* Loại I là loại máy xếp (ngoại trừ Retina IF), nhắm qua cửa sổ, không có kính trắc-viễn (khi dùng ta phải đoán chừng khoảng cách), không có quang-kế (ngoại trừ Retina IF). Loại I có nhiều kiểu, trang-bị nhiều loại ống kính và màng trập khác nhau. Các chi-tiết linh-tinh mô-tả ở mỗi kiểu sẽ giúp độc-giả nhận diện được loại máy và kiểu máy.

Retina IF là máy có ống kính cố-định (không phải là máy xếp).

* Loại II, nhắm qua cửa sổ, tất cả mọi kiểu đều có kính trắc-viễn, có hoặc không có quang-kế, đa-số là máy xếp (ngoại trừ Retina IIF và IIS). Máy cũng có nhiều kiểu, trang-bị nhiều loại ống kính, nhiều loại màng trập khác nhau. Xin phân-biệt các kiểu máy dùng mẫu-tự tiếp ngay theo đó lớn hoặc nhỏ, thí-dụ Retina IIc và IIC là hai kiểu khác nhau.

Retina IIF và IIS là máy có ống kính cố-định (không phải là máy xếp); IIc và IIC là hai kiểu máy có phần trước ống kính tháo rời ra được để gắn ống kính phụ 35 mm hoặc 80 mm.

* Loại III, máy xếp, nhắm qua cửa sổ, có kính trắc-viễn, có quang-kế selenium, ống kính gồm có hai phần, phần sau bắt chặt vào thân máy, phần trước tháo ra được để có thể thay thế bằng ống kính tầm rộng 35 mm và viễn-kính 80 mm. Tất cả ống kính đều được tinh-hóa, do đó màu sắc trong sáng, trung-thực... sắc-độ xúc-tích, chi-tiết sắc nét.

Loại III gồm năm kiểu là IIIc, IIIC và IIIC kiểu 1982. Retina IIIS là máy có ống kính cố-định.

* Loại S, (xin ghi nhận số S1 và S2 thay vì I và II), chỉ gồm có hai kiểu, ống kính cố-định.

* Retina Automatic, gồm năm kiểu, ống kính cố-định, có quang-kế selenium, không được ưa chuộng lắm.

* Loại đơn kính phản chiếu (SLR), gồm bốn kiểu, ba kiểu sau thay đổi được ống kính; kiểu Retina Reflex "nguyên-thủy" chỉ có thể thay được phần ngoài của ống kính.

(Tiếp theo)
 
Page: 1 2 3 4 5 6 7     Lần đọc: 524103 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc