About Us
Main menu
Số truy cập: 80731190
Máy Ảnh Rolleiflex Song Kính
(05/08/08)


Không giấy bút hay lời nói nào có thể diễn-tả được cảm-tưởng của người sở-hữu và sử-dụng chiếc máy ảnh Rolleiflex song-kính. Thật vậy, không gì diễn-tả nổi !

Những nhiếp-ảnh-gia Việt-Nam như Nghiêm-Vĩnh-Cần, Phạm-Ngọc-Chất, Nguyễn-Văn-Chiêm, Lê-Ðình-Chữ, Nguyễn-Cao-Ðàm, Nguyễn-Mạnh-Ðan, Lại-Hữu-Ðức, Bùi-Văn-Giai, Nguyễn-Ðức-Hồng, Ðỗ-Huân, Bàng-Bá-Lân, Bùi-Quí-Lân, Trần-Cao-Lĩnh, Tôn-Lập, Lê-Ngọc-Minh, Phạm-Văn-Mùi, Võ-An-Ninh, Ðơn-Hồng-Oai, Dương-Xuân-Phương, Trần-Ðại-Quang, Lý-Lang-Siêu, Lê-Anh-Tài, Nguyễn-Văn-Thông, Nguyễn-Xuân-Tính, Nguyễn-Huy-Trực, Ngô-Thanh-Tùng, Văn-Vũ... đều sở-hữu ít nhất mỗi người một chiếc.

Các nhiếp-ảnh-gia nghệ-thuật Âu Mỹ sử-dụng Rolleiflex có thể kể đến hàng ngàn tên... trong đó có Werner Bischof, Bill Brandt, Imogen Cunningham, Robert Doisneau, Ernst Haas, Philip Halsman, Fritz Henle (1), Horst P. Horst, Yousuf Karsh, André Kertész, J. H. Lartigue, Daniel Masclet, Arnold Newman...

Rất nhiều nhiếp-ảnh-gia thời-trang nổi tiếng trước và nay dùng máy Rollei, trong đó có Diane Arbus, Richard Avedon, Cecil Beaton, David Bailey, Helmut Newton, Gunther Sach, Lord Snowdon (nhiếp-ảnh-gia Tony Armstrong Jones), Louise Dahl-Wolfe... và rất nhiều tiệm ảnh dùng Rolleiflex để chụp đám cưới, chân-dung (nhất là từ khi máy Tele Rolleiflex ra đời).

Một số nhân-vật nổi tiếng vốn là nhiếp-ảnh-gia tài-tử dùng máy Rolleiflex như nữ-hoàng Elizabeth II của nước Anh, hoàng-hậu Grace Kelly xứ Monaco, người đẹp Eva Braun người tình của Hitler, tài-tử Humphrey Bogart, James Dean, James Gardner, Red Skelton...

Thời đệ nhị thế-chiến, phóng-viên tiền-tuyến Âu Mỹ đều không ít thì nhiều chụp hình cuộc chiến bằng Rolleiflex. Ngày nay ta còn thấy ảnh chụp họ thời đó đeo Rolleiflex toòng-teeng ở cổ như Robert Capa, Eliot Elisofon, Carl Mydans, John Phillips, George Rodger, Peter Stackpole, William Vandivert, Margaret Bourke White...

Cũng thời đệ nhị thế-chiến và những năm sau đó, ban nhiếp-ảnh quân-đội, đủ mọi quân binh-chủng, của gần như hầu hết các nước ở Âu và Mỹ châu đều dùng Rolleiflex, trong đó có cả Việt-Nam, ở những năm 50 và 60...

Khoảng 1948-1955, ở Việt-Nam, người ta vẫn dùng máy Rolleiflex, gắn thêm bộ Rolleikin, biến máy Rollei thành chiếc máy chụp phim 35 mm lấy ảnh làm thẻ căn-cước. Máy Rollei, tiêu-cự ống kính 75 mm, tuy không hẳn là ống kính chân-dung đối với khổ phim 24 x 36 mm, nhưng cũng chấp-nhận được vì nó dài gấp rưỡi lần tiêu-cự ống-kính cơ-bản 50 mm của máy 35... Người ta cũng đã từng xắp ba bốn người ngồi hàng ngang rồi dùng máy Rollei 6x6 cm chụp một lần, sau đó khi phóng ảnh mới phóng tách ra từng người một (do đó mới có cảnh có khi dán ảnh người này vào căn-cước người nọ...).

Trong hai thập-niên 1950-1960, nhiếp-ảnh-gia phóng-sự cũng đều dùng Rolleiflex (đi cặp với cái flash magnesium, mỗi lần chụp xong ta lại phải vội vàng thay ngay một bóng...), đây là phóng-viên của các nhật báo, tuần báo, nguyệt-san... về tin-tức, thể-thao, tội phạm, du-lịch, thời-trang, báo "ngồi-lê-đôi-mách"... kể ra chắc phải hàng chục ngàn...

Giai-phẩm nhiếp-ảnh hàng năm của Popular Photography, Modern Photography, American Photography, Color Photography... trong thập-niên 50 và 60 tràn ngập hình ảnh chụp bằng Rolleiflex, liệt-kê dài dài trong phần ghi-chú ảnh.

Tóm lại, gần như hầu hết những nhiếp-ảnh-gia nổi tiếng của thế-giới, thời 1930-1970, đa số đều làm chủ ít nhất một chiếc Rolleiflex -- hay chính chiếc Rolleiflex đã biến họ trở thành nhiếp-ảnh-gia nổi tiếng ?

Trở lại chuyện Rollei ở Việt-Nam, chúng tôi xin trích-dẫn đoạn sau đây trích trong bài "Tôi học chụp hình" của nhiếp-ảnh-gia Nguyễn-Xuân-Tính liên-quan đến chiếc Rollei, khá cảm-động (in trên báo VIETPRESS, số 179, trang 24 và 25, không ghi ngày) :

"Hồi xưa ông Lệ-Ảnh ở miền Trung còn say, mê (chiếc máy Rolleiflex) đến lúc chết. Ông thường nói cái Rollei của tôi đắt bằng năm, bẩy cái vòng xuyến vàng, nhưng nó giá-trị hơn nhiều. Lúc về già nằm trên giường bệnh, biết mình không thể qua khỏi, ông gọi người con lớn đến thều thào dặn qua hơi thở. Anh cả quì xuống bên cạnh, nước mắt dàn dụa, nghe lời trăn trối :

"Cho bố bấm mẹ con và các con một lần cuối...

"Người con nhất nhất vâng lời, lấy máy lắp phim, sắp xếp mẹ con bên giường bệnh. Thấy hơi thở ông khác, anh đỡ ông dậy, dựa vào tường, nâng hai bàn tay ông lên giữ chặt máy. Cả nhà nín thở chờ ông bấm... chờ mãi không thấy gì, chạy lại coi thì ông đã đi rồi, tay vẫn còn ôm cứng cái Rollei muôn thuở..."

Ông Lệ-Ảnh, ở Hội-An, khi mất còn ráng ôm chiếc máy Rollei. Chúng ta còn đang sống trờ trờ ra đây, kể ra còn chưa trễ... không đi tìm chiếc Rollei mà "ôm", mai mốt "thăng", xuống dưới kia trả lời sao với Diêm-Vương ?

***

(Tiếp theo)
 
Page: 1 2 3 4 5 6 7 8 9     Lần đọc: 630823 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc