Nguyễn Văn Khanh
Ðầu tháng 11 năm 2008, ứng viên Barack Obama
đắc cử tổng thống, trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của lịch sử
Hoa Kỳ. Không chỉ những người ủng hộ ông vui mừng với biến cố chính trị
có một không hai, mà ngay những người mê rượu vang ở Mỹ cũng tỏ vẻ hài
lòng. Lý do: Mọi người đều nghe tin ông Obama có nhà cao cửa rộng ở
Chicago, có cả một hầm rượu chứa chừng ngàn chai vang, vì thế nhiều
người nghĩ khi vào Tòa Bạch Ốc ông sẽ mang theo thú uống rượu vang.
Nếu
ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những trường
hợp biệt lệ. Rượu vang là thức uống quen thuộc của chính khách Hoa Kỳ.
(Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Nhưng chỉ vài tuần sau đó mọi hy vọng đều tiêu tan. Hình như ông tổng
thống thứ 44 của nước Mỹ không rành về rượu vang như nhiều người đã
tưởng, chưa kể đến chuyện nhân viên làm việc với ông cho báo chí biết
ông thích uống bia và sẵn sàng uống thử đủ mọi loại rượu mạnh khác, chưa
ai trông thấy ông ngồi nhâm nhi bên lò sưởi với ly rượu vang cầm trong
tay. Không những thế, khi đi vận động tái ứng cử 2012 ông tiết lộ “bí
mật quốc gia”, cho cử tri biết “tôi với anh em nhân viên cùng nhau làm
bia hơi” uống ngon không kém những loại bia đắt tiền bán ngoài thị
trường.
Hình ảnh được phổ biến từ Tòa Bạch Ốc cũng cho thấy có khi nhân viên
dưới quyền mỗi người cầm một chai bia thì ông lại uống nước lạnh, ngay
hôm kỷ niệm ngày cưới ông dẫn bà đi ăn tiệm, 2 vợ chồng gọi chung một ly
Martini rồi mỗi người uống một hớp, chứ không gọi rượu vang. Trả lời
các cuộc phỏng vấn ông cũng không hề nói đến thú uống rượu vang, có lần
tờ Chicago Sun-Times khéo léo hỏi ông nhận xét thế nào về vang Mỹ và
vang ngoại quốc, ông chỉ nở nụ cười thay cho câu trả lời. Chính những
điều này khiến một số không ít người nghĩ “nước Mỹ có một vị tổng thống
không biết uống rượu vang”.
Nếu ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những
trường hợp biệt lệ. Lịch sử Hoa Kỳ ghi lại từ những ngày đầu lập quốc,
rượu vang đã là một trong những thức uống quen thuộc với các chính trị
gia Mỹ nên khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc các ông mang theo cả cái thú
uống rượu vang, tiệc tùng nào rượu vang “cũng được rót như nước”. Ðiển
hình dưới 2 trào John F. Kennedy và Richard Nixon của thế kỷ 20, cả vị
tổng thống Dân Chủ lẫn vị tổng thống Cộng Hòa đều thích rượu vang “mà
phải là vang Pháp”, đãi khách cũng phải đãi vang Pháp cho giống... Tây.
Sử sách cũng ghi ông Nixon chuộng vang Tây đến độ gần như bữa ăn tối nào
“nhà bếp Tòa Bạch Ốc cũng mở một chai Margaux” loại xịn nhất cho ông
uống.
Cũng vẫn sử sách, chỉ có 2 đời tổng thống Mỹ không đãi khách bằng
rượu vang: Lần đầu dưới thời Tổng Thống James Polk và lần thứ nhì xảy ra
dưới thời Tổng Thống Rutherford Hayes và cả 2 chuyện đều dính dáng tới
quý Ðệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ. Bà Sarah Polk, phu nhân của vị tổng
thống thứ 11 là người rất ngoan đạo, không bao giờ đi coi hát, không xem
đua ngựa, dự tiệc khoản đãi chồng đắc cử tổng thống bà cũng ngồi một
chỗ, không đứng dậy khiêu vũ. Vì thế khi vào Tòa Bạch Ốc, việc đầu tiên
bà làm là cấm nhà bếp khui rượu vang. Quy định này chỉ bị phá lệ có một
lần hồi 1845, khi ông Polk khoản đãi 40 vị khách quý giúp ông vận động
tái tranh cử. Bà ghi lại trong nhật ký rằng tối hôm đó “vợ chồng tôi mở
cả thảy 6 loại rượu vang khác nhau, ánh rượu muôn màu đẹp chẳng khác gì
cầu vồng”.
Bà Lucy Hayes cũng nổi tiếng ngoan đạo nhưng không khó khăn như bà
Sarah Polk, sẵn sàng mở rượu vang mời khách dự tiệc ở Tòa Bạch Ốc cho
tới ngày bà và ông chồng (vị tổng thống thứ 19 của nước Mỹ) phải nhăn
mặt khi thấy các vị đại sứ được mời dùng cơm uống rượu say sưa (nghe nói
có ông ói mửa ngay trong phòng ăn, một vài ông khác “rượu vào lời ra”
định đánh nhau trước mặt quan khách). Từ tối đó trở đi (từ 1877 đến
1881) bà ra lệnh cấm uống rượu trong Tòa Bạch Ốc, nhưng chỉ thị cho nhà
bếp sử dụng tiền rượu “mua thêm thức ăn đãi khách”, cho khách ăn ngon
hơn.
Từ đó khách được uống nước đá chanh do chính tay Ðệ Nhất Phu Nhân
pha, nhưng chuyện tổng thống không khui rượu đãi khách khiến ông Hayes
bị mang tiếng là “vị tổng thống keo kiệt”. Ðể bù lại, thành phần chính
trị gia bảo thủ và các nhà hoạt động tôn giáo hoan nghênh ông nhiệt
liệt, cho rằng “rượu chè” ở Tòa Bạch Ốc là điều nên tránh.
Ðó chỉ là những trường hợp đặc biệt vì sau ngày ông bà Rutherford
Hayes rời Tòa Bạch Ốc, rượu vang lại được khui để đãi khách, đến khi ông
Bill Clinton dọn từ Arkansas về thủ đô Washington D.C., ông còn dùng
ngân quỹ riêng dành cho Văn Phòng Tổng Thống để thuê một người chuyên về
rượu vang, giữ trách nhiệm mua và quyết định những chai rượu nào sẽ
được khui trong các bữa tiệc.
Nghe đâu có lần người may mắn lãnh “job” mua và thử rượu là ông
Daniel Shanks nói đùa với bạn bè rằng lương ông lãnh “rất tượng trưng”
nhưng quyết định của ông “quan trọng chẳng kém gì quyết định của tổng
thống” vì cả thế giới đều muốn biết trong những bữa tiệc khoản đãi các
vị nguyên thủ những nước bạn, Tòa Bạch Ốc uống rượu vang gì, do nhà nào
sản xuất, và rất nhiều ông bà triệu phú thế giới sau đó “mua đúng loại
rượu vang tôi chọn cho tổng thống đãi khách để khoản đãi bạn bè của họ”.
Ông Shanks cũng nói rượu Tòa Bạch Ốc đãi khách đương nhiên “phải khác
những loại rượu chúng ta thường khui đãi bạn bè khi đi picnic hay rượu
uống trong các bữa cơm hàng ngày”, ý muốn nói rượu tổng thống Hoa Kỳ rót
mời phải là rượu hạng ngon nhất nhì thế giới, nhiệm vụ của ông là phải
tìm cho ra loại rượu thật ngon đó, đồng thời phải theo đúng tiêu chuẩn
Tòa Bạch Ốc đưa ra: Made in USA.
Truyền thống “bắt buộc” uống rượu vang “Made in USA” bắt đầu có từ
năm 1977 sau khi Tổng Thống Jimmy Carter tuyên thệ nhậm chức, xóa bỏ
kiểu cách chỉ uống rượu vang Tây từng nổi bật dưới thời Kennedy và
Nixon. Không rõ vì lý do gì ông Carter lại chỉ thị cho nhân viên nhà bếp
chỉ khoản đãi khách bằng vang Mỹ, nhưng đến giờ vẫn được các vị nguyên
thủ Hoa Kỳ tôn trọng. Nên nhớ: Thực đơn các bữa tiệc của Tòa Bạch Ốc bao
giờ cũng kèm theo tên những loại rượu vang (và nhà sản xuất), thực đơn
này cũng được Phòng Phục Dịch Tòa Bạch Ốc gửi tặng nhà sản xuất rượu giữ
làm kỷ niệm hay để khoe với khách hàng.
Vài năm trước đây trong cuộc gặp hàng năm của những nhà sản xuất rượu
vang Hoa Kỳ tổ chức ở San Francisco, California, ông Tyler Colman, một
trong những “bậc thày” về rượu vang của nước Mỹ gọi quyết định của Tổng
Thống Carter “là một quyết định sáng suốt về chính trị lẫn kinh tế”,
giúp phát triển ngành trồng nho làm rượu vang và sản xuất rượu vang của
quốc gia. Ông Colman, người mang biệt danh “Dr. Vino”, còn bảo từ khi
vang Mỹ được Tòa Bạch Ốc dùng để đãi khách quý, “lúc đó người dân Hoa Kỳ
mới hãnh diện vì nước mình có rượu vang ngon chẳng kém gì nước Pháp”.
Không biết quyết định của Tổng Thống Carter có phải là quyết định
chính trị hay không, nhưng những chai rượu vang được Tòa Bạch Ốc mở để
đón khách luôn luôn mang ý nghĩa “đặc biệt” nào đó. Chẳng hạn như tối
ngày 19 tháng 5, 2010 khi mở tiệc khoản đãi tổng thống Mexico, Tòa Bạch
Ốc chọn chai Silver Eagle Vineyard Chardonnay 2008 do nhà Valdez Family
Winery ở California để đãi khách. Chủ “nhà” này là ông Ulises Valdez,
năm nay mới 45 tuổi, nhưng làm chủ một trong những công ty sản xuất rượu
vang nổi tiếng của nước Mỹ. Chuyện ông Valdez cũng rất đặc biệt: Trốn
từ Mexico sang Hoa Kỳ lúc mới 14 tuổi, làm công nhân hái nho, sau đó là
một trong những người Mễ không có giấy tờ cư trú được cấp thẻ xanh theo
chương trình ân xá của Tổng Thống Ronald Reagan. Câu chuyện này được
Tổng Thống Obama kể lại trong bài diễn văn chào mừng quan khách, coi đó
là một trong những dấu hiệu tốt đẹp của mối quan hệ song phương Mỹ-Mễ.
Rượu vang có lợi cho chính trị thì cũng rượu vang gây tai hại cho... chính trị.
Chuyện mới xảy ra cách đây 2 năm, khi Tổng Thống Obama khoản đãi Chủ
Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc bằng rượu vang Quilceda Creek Cabernet
Sauvignon 2005 của nhà Columbia Valley ở tiểu bang Washington State sản
xuất, ăn với món bò nướng do đầu bếp Tòa Bạch Ốc làm. Washington State
được chọn vì là tiểu bang cửa ngõ nối liền Hoa Kỳ với Châu Á-Thái Bình
Dương, rượu vang của nhà Columbia Valley được dùng để mời khách vì là
những chai rượu vang “hiếm hoi” được “thày” Robert Parker chấm 100 điểm,
tức thuộc hàng “xịn” thứ thiệt, dân có tiền mua về cất trong hầm rượu,
năm bảy năm sau mới khui ra mời khách. Lúc mới ra đời những chai vang
này được bán với giá $199/chai, lúc rót cho ông Hồ Cẩm Ðào uống, giá thị
trường lên đến $399/chai. Tối hôm đó Tòa Bạch Ốc khui 6 thùng, tức tiền
rượu vang cho món ăn chính không thôi đã mất gần 30,000 dollars, chưa
kể rượu uống với món khai vị, với món soup, món salad và món tráng
miệng.
Chỉ một ngày sau đó, trang mạng Gateway Pundit cho chạy hàng chữ thật
lớn mang nội dung “Chỉ có dân thấp cổ bé miệng bị thiệt thòi: Tổng
Thống Obama đãi khách bằng rượu vang 399 dollars một chai” (nguyên văn:
“Sacrifice Is For the Little People: Obama White House Serves $399
Bottles of Wine at State Dinner”). Sau đó, nghệ sĩ hài nổi tiếng Stephen
Colbert còn lên TV diễu rằng trong lúc nước Mỹ đang là con nợ của Trung
Quốc, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, “Tại sao tổng thống lại mang
rượu bốn, năm trăm dollars ra mời ông Hồ Cẩm Ðào uống làm gì”. Theo nghệ
sĩ này, “đáng lẽ tổng thống nên mời ông chủ tịch nhà nước Trung Quốc ăn
buffet, uống các chai rượu rẻ tiền mua từng gallon, và tráng miệng cũng
bằng những bịch bánh ngọt rẻ tiền mua ở chợ để tiết kiệm ngân sách quốc
gia”.
Chuyện ồn ào tới mức có người phải lên tiếng bênh vực ông Obama.
Người đầu tiên là ông Daniel Shanks, cho hay quyết định khui những chai
rượu đắt tiền này là quyết định của ông “chứ không phải của tổng thống”.
Ông Shanks nói thêm khi thấy nhà bếp ướp thịt bò, “tôi nghĩ ngay đến
chai rượu phải khui để đãi khách”, đảm bảo mọi người “phải thật ấn
tượng” và quả thật, “sau đó mọi người khách đều nức nở khen vì không thể
tìm được chai rượu nào hay hơn để đi chung với miếng thịt bò được chọn
đãi quốc khách”.
Người thứ nhì lên tiếng bênh vực ông Obama là Thống Ðốc Christine
Gregoire của tiểu bang Washington State. Bà đưa ra một bản tuyên bố,
trước hết cho biết “sửng sốt khi được biết Tòa Bạch Ốc chọn rượu vang
của tiểu bang để đãi quốc khách”, xác định “tầm quan trọng và lịch sử
của mối quan hệ giữa tiểu bang với Trung Quốc”, kế đến ngợi khen Tòa
Bạch Ốc không chọn sai vì “chai Quilceda Creek Cabernet là một trong
những chai vang được điểm cao nhất thế giới”.
Nhưng từ ngày đó trở đi, Tòa Bạch Ốc quyết định không cho biết tên
loại rượu vang được dùng để mời khách nữa, trong thực đơn chỉ ghi vỏn
vẹn mỗi câu “thức ăn sẽ được đi kèm bằng rượu vang sản xuất tại Mỹ”.
Tòa Bạch Ốc không công bố cho dân chúng biết, giới truyền thông Hoa
Kỳ cũng moi cho bằng được các chi tiết liên quan đến loại rượu vang được
dùng để mời khách. Năm ngoái khi Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
sang thăm Hoa Kỳ được Phó Tổng Thống Joe Biden mời cơm tối, vài giờ sau
đó báo chí tìm được chi tiết bên lề: Bữa ăn có chai 2010 Sauvignon Blanc
2010 (giá $22.99/chai) và chai Cabernet Sauvignon (giá $49.99/chai) do
nhà Hall ở Napa Valley, California sản xuất.
Chủ “nhà” này là bà Kathryn Hall, bạn thân của gia đình cựu Tổng
Thống Bill Clinton, từng làm đại sứ Hoa Kỳ ở Vương Quốc Áo, và cũng từng
được giao trách nhiệm cung cấp rượu cho đám cưới của Ðệ Nhất Ái Nữ
Chelsea Clinton. Ðiểm đáng nói hơn nữa: Những chai rượu vang ông “phó”
Mỹ đãi ông “phó” Trung Quốc đang là những chai rượu được dân thượng lưu
Hoa Lục yêu thích nhất, có lẽ một phần vì họ muôn uống thử những loại
rượu ông Tập Cận Bình đã có dịp nếm qua khi ngồi ăn cơm với phó tổng
thống Mỹ.
Nhưng cũng có những bữa ăn quan trọng ở Tòa Bạch Ốc không có rượu
vang. Cuối tháng 11 vừa rồi, Tổng Thống Obama mời đối thủ chính trị Mitt
Romney vào dùng cơm trưa, vừa ăn vừa nói chuyện quốc gia, đại sự, bàn
tình xem làm sao để nước Mỹ tiếp tục đóng vai siêu cường ảnh hưởng toàn
cầu. Trưa hôm đó 2 ông uống gì? Xin thưa: Cả 2 ông đều uống nước lạnh.
Tại sao vậy? Tại sao Tổng Thống Obama không mở chai rượu vang loại ngon
mời khách? Xin thưa: Ông Romney theo đạo Mormon, không rượu chè, không
thuốc lá, “Tổng thống phải tôn trọng khách” theo lời bà phụ tá phát ngôn
viên Amy Brundage.