About Us
Main menu
Số truy cập: 80711340
Cướp máy ảnh hoành hành ở trung tâm Sài Gòn
Lê Anh Đủ (01/13/09)




10/01/2009 23:25

Hàng loạt vụ cướp giật máy ảnh xảy ra ngay khu vực trung tâm  SAIGON đã khiến nhiều tay săn ảnh phải nghĩ ra những cách kỳ quặc để tự bảo vệ tài sản!

Nếu so với việc tiêu thụ một chiếc xe gắn máy trộm cướp thì việc tiêu thụ một chiếc máy ảnh có nguồn gốc không rõ ràng là quá dễ, mà giá trị hai món hàng lại tương đương nhau. Không ít nạn nhân của bọn cướp là nhiếp ảnh gia, thợ chụp ảnh cưới, khách nước ngoài và có cả... phóng viên báo chí. 

Cướp!

Sáng 7.1.2009, ngồi kể chuyện với chúng tôi mà anh T.H (Q.3) vẫn chưa hết bàng hoàng. Vụ việc xảy ra vào sáng mùng một Tết dương lịch 2009 khi anh cùng nhóm bạn rủ nhau ra khu vực trung tâm  SAIGON để sáng tác ảnh. Phát hiện góc ảnh ưng ý, anh T.H liền mở giỏ lấy máy ảnh ra. Cẩn thận như mọi khi, để khỏi làm rơi máy, anh quấn dây đeo máy một bận vào cổ tay mình rồi giương máy lên trước mặt. Tuy nhiên, khi anh chưa kịp khởi động thì bỗng đâu một chiếc xe máy lao ào tới. Nhanh như chớp, tên ngồi sau xe chồm tay nhắm thẳng vào chiếc máy ảnh mà giật. Rất may, chiếc máy ảnh lúc này nhờ chiếc dây đeo quấn dính tay anh nên bọn cướp chỉ lôi anh đi được một đoạn, sém té xuống đường. Không ăn được hàng, bọn cướp nẹt pô xe ầm ĩ trước khi mất hút phía sau nhà hát. 

Thoát nạn, anh T.H lên xe chạy thẳng về nhà, lau chùi máy ảnh rồi đưa vô tủ cất. “Cảm ơn trời phật, nếu bị mất chiếc máy này chắc năm nay tôi vô rừng ăn tết. Chiếc máy ảnh là cả gia tài và sự nghiệp của tôi. Tích cóp bao nhiêu năm, đến gần 50 tuổi mới sắm được chiếc máy và bộ đồ chơi ưng ý với giá gần 100 triệu đồng”, anh T.H cho biết.

Nhưng có lẽ anh T.H là người duy nhất may mắn trong số những nạn nhân mất máy ảnh trong năm 2008. Trường hợp của anh H.V (Q.1) mới thật đáng buồn. Cách đây hơn 10 ngày, vào khoảng 7 giờ tối, anh H.V mang máy đến chụp ảnh quảng cáo cho một điểm karaoke ở góc đường Nguyễn Ðình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám. Vì chụp ảnh tĩnh (mặt tiền quán karaoke) nên anh phải dùng đến bộ chân máy cao tầm 1,6m. Lúc này anh đang đứng trên lề đường Nguyễn Ðình Chiểu, mắt đăm chiêu nhìn vào ông kính ngước lên bảng hiệu karaoke. Một loạt ảnh ưng ý được ghi vào máy. Cũng ngay lúc này, bất thình lình, một chiếc xe gắn máy chở hai thanh niên từ dưới đường lao nhanh lên lề. Tên ngồi sau đưa chân đạp anh H.V còn tay thì ôm gọn chiếc máy ảnh đang gắn liền vào chân máy, chiếc xe lao nhanh về phía trước. Chạy được hơn 30m, tên ngồi sau còn quay mặt lại cười rất tươi. 

Trong khi chưa kịp phản ứng gì thì tại chỗ anh H.V đứng, một chiếc xe khác tấp vào. Hai thanh niên ra vẻ quan tâm, miệng lanh lách: Chuyện gì vậy anh, chuyện gì vậy anh? Nghi ngờ đây là bọn “cản địa” đi theo tụi cướp nhưng anh H.V cũng chẳng thể làm gì. Mất máy ảnh có giá hàng chục triệu đồng đã tiếc, mất luôn mấy trăm tấm ảnh chụp đám cưới còn lưu trong máy chưa kịp sang ra, anh H.V như ngồi trên lửa vì không biết giải thích thế nào với cô dâu chú rể!  

Anh H.V còn cho biết, trước đó không lâu, tại trước nơi anh làm việc trên đường Nguyễn Huệ (Q.1), một ông khách Tây vừa từ trên vỉa hè bước xuống lề đường đã bị hai thanh niên chở nhau giật phăng chiếc máy ảnh Nikon khi ông khách đang bợ nó trên vai. Vụ giật máy ảnh làm ông khách ngã xuống đường, chảy máu mặt phải nhờ xe ôm chở đi bệnh viện. Theo anh H.V, chuyện giật máy ảnh, nhất là máy chuyên nghiệp của khách du lịch, ở khu trung tâm đã trở nên phổ biến, hầu như tuần nào cũng có. Một năm, ngay tại nơi đây, anh H.V chứng kiến hơn 30 vụ.  

Phải tự phòng thân

Trong những ngày cuối năm 2008, rất nhiều anh em làm nghề nhiếp ảnh ở SAIGON nhận được một tin nhắn từ điện thoại di động của anh H.T – một thợ chụp hình có tiếng lâu năm. Nội dung tin nhắn là cảnh báo anh em phải hết sức cẩn thận khi mang máy ra đường sáng tác, vì bọn cướp giật có thể giật bất cứ lúc nào. 

Sở dĩ phải viết những dòng tin này vì anh H.T cũng là “người trong cuộc”. Ðó là chiều 9.11.2008, tại khu vực Nhà thờ Ðức Bà, phía trước Bưu điện TP, anh đã bị giật một chiếc máy ảnh Nikon cùng một bộ ống kính có tổng giá trị gần 5.000 USD. Anh H.T cho biết lúc đó anh đang đạo diễn chụp hình cho một cặp cô dâu chú rể chở nhau trên xích lô. Khi chiếc máy ảnh đang cầm trên tay, anh đang chạy tới chạy lui để tìm góc ảnh đẹp thì một chiếc xe máy chở hai thanh niên lao tới, tên ngồi sau vồ vào anh. Giật xong chúng phóng xe ra đường Lê Duẩn mất hút. Anh H.T nói: “Kể ra thì cũng do mình hớ hênh, vì quá say mê với chủ đề mình đang chụp nên “quên” hết xung quanh”. 

Cũng như nhiều nạn nhân khác, anh H.T bị mất kèm theo máy là một thẻ nhớ 2GB với cả 100 bức ảnh vừa chụp chưa kịp lấy ra. “Ai nên khôn cũng dại một lần”, sau sự cố đó ngoài việc nhắn tin cảnh báo đến bạn bè, mỗi lần đi chụp anh kêu đến 3 người giúp việc đi theo làm “vệ sĩ” đứng quanh bảo vệ. 

Không có người giúp việc, một số anh em nhiếp ảnh khác thì tìm mua dây xích sắt loại nhuyễn để xích máy vào thân mình. Do vậy, không có gì làm lạ nếu ra đường bạn bắt gặp hình ảnh một chiếc máy ảnh được xích vào chân máy, còn chân máy được xích vào thắt lưng ông thợ chụp hình. Vì đó là cách tự bảo vệ tốt nhất hiện nay khi bọn cướp lộng hành. 

Anh T.L, phóng viên ảnh của một tờ báo ở  SAIGON cho biết anh bị giật một chiếc máy có giá trị 62 triệu đồng khi đi bộ từ đường Nguyễn Huệ sang Ðồng Khởi. Ðó là tài sản của người làm báo, bao nhiêu năm mới sắm nổi. Sau khi mất, vì quá thương tiếc chiếc máy nên anh có đến trình báo với công an địa phương với hy vọng sẽ tìm lại được. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua mà chiếc máy ảnh thuộc loại “pro” của anh T.L vẫn bặt vô âm tín. 

Theo các nạn nhân, chắc chắn có một đường dây cướp giật, mua bán, tiêu thụ máy chụp ảnh chuyên nghiệp đang tồn tại. Việc bắt các đối tượng cướp giật, theo họ là không quá phức tạp nếu cảnh sát chịu khó câu nhử trong một vài ngày... Bao giờ thì những băng nhóm cướp giật này mới bị tém dẹp, trả lại sự yên bình cho đường phố Sài Gòn?

Lê Anh Ðủ 
 
Page: 1     Lần đọc: 87511 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc