About Us
Main menu
Số truy cập: 74789446
Kinh nghiệm chụp ảnh phong cảnh
VN-USPA (12/08/11)


Chụp phong cảnh thường cần nét sâu (DOF dày) nên người chụp phải khép khẩu nhỏ, lưu ý từ f5,6 đến f11.
 
Với những tay máy chuyên nghiệp, việc ghi lại cảnh đẹp không phải quá khó, tuy nhiên phần đông người cầm máy lại gặp khó khăn khi mô tả lại những cảnh quan hoành tráng mà họ đã trông thấy. Có lúc là lỗi kỹ thuật - bầu trời trắng ngắt không đường nét, có khi lại là lỗi thẩm mỹ - hình cứ bẹt bẹt bố cục không rõ ràng…

Dưới đây là một số lưu ý về chụp ảnh phong cảnh.

Thiết bị.
Chân máy là thiết bị quan trọng trong chụp ảnh phong cảnh. 
Ảnh: Thedigitalbean.
 
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng thiết bị tối ưu nhất cho chất lượng hình ảnh: máy phim khổ lớn (large format), máy phim hoặc lưng số (digital back) cỡ trung (medium format) hoặc SLR. Ống kính góc rộng và tele, kể cả tilt-shift. Chân máy và đầu gắn (tripod, head). Filter các loại (polarizer, ND, graduated ND filter…). Các phụ kiện quan trọng khác: dây bấm mềm, đo sáng…

Tuy nhiên, với nhu cầu phổ thông: chia sẻ trên mạng và in hình ở khổ vừa và nhỏ thì bất cứ thiết bị chụp ảnh nào cũng có khả năng gây sửng sốt cho người xem, từ máy ảnh DSLR dòng khởi điểm với ống kit, hay máy compact, siêu zoom, thậm chí là điện thoại; nếu chúng ta nắm được các yếu tố kỹ thuật và chau dồi một chút thẩm mỹ.

Thiết lập chụp và lưu ý về kỹ thuật.
Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh.
 
Ðộ sâu trường ảnh: Chụp phong cảnh thường cần nét sâu (DOF dày) và do đó cần khép khẩu nhỏ, lưu ý từ f5,6 đến f11, nhưng không phải càng khép khẩu thì ảnh càng nét, bởi khép nhỏ quá sẽ chịu hiệu ứng tán xạ (diffraction) làm ảnh mờ mềm trên toàn khung hình. Tùy loại máy mà ngưỡng ảnh hưởng tán xạ tại F nhỏ sẽ khác nhau đôi chút.

Chọn điểm lấy nét đúng: Cho dù lấy nét tự động hoặc nét tay thì điểm lấy nét cần ở vị trí sao cho khoảng nét rõ sâu nhất (trừ khi bạn muốn chụp đặc tả). Những tay chơi nâng cao có thể lưu ý khái niệm hyperfocal distance (khoảng nét tới vô cực) khi chụp cảnh xa tới chân trời. Ðiểm lấy nét đúng không phải là vô cực, mà là một điểm cụ thể nào đó gần hơn, tùy tiêu cự và khẩu độ. Lý tưởng là có bảng tham chiếu để có trị số hợp lý nhất. Nếu không có thì có thể tương đối chọn điểm nét lấy nét cách chỗ đặt máy vài chục mét.

Ðo sáng: Thường là đo toàn khung (matrix, evaluative) hoặc chỉnh tay hoàn toàn tùy theo kinh nghiệm, nhưng nguyên tắc chung là không để bị cháy vùng sáng và tối mất chi tiết vùng sẫm, thậm chí có thể chụp liên tiếp chênh sáng (Ev Bracketing) để ghép lại khi làm hậu kỳ nếu bối cảnh quá chênh sáng. Nên kiểm tra histogram và điều chỉnh thông số sau mỗi lần bấm máy.

Chống rung: Các tay máy chuyên nghiệp gần như không thể thiếu hệ thống nâng đỡ máy vững chắc (tripod), người nghiệp dư cũng nên trang bị một chân máy bình dân, nhưng cũng đem lại giá trị rất tốt. Trong điều kiện không có chân máy thì phải lưu ý tốc độ tối thiểu để rung tay không ảnh hưởng quá lớn tới chất lượng hình. Ngoài ra cũng có thể để máy tại một vị trí vững vàng và hẹn giờ (2 giây hoặc 10 giây) để tránh rung.
 
Bố cục ảnh.
Một buổi sáng Hội An. Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh.

 
Ðịa điểm và ý tưởng chụp: Một cảnh rất đẹp không đảm bảo cho một bức hình đẹp vì mắt người thường nhìn khá chọn lọc và cảm thấy vẻ đẹp của từng chi tiết. Tuy nhiên, máy ảnh thì lại ghi lại toàn bộ khung cảnh, bởi vậy trước khi chụp, cần mường tượng như đang vẽ một bức tranh và tìm điểm nhấn cho khung hình. Không nên tham quá nhiều chi tiết mà chỉ tập trung vào những gì muốn mô tả.

Bố cục Một phần ba: Nên tuân thủ theo bố cục một phần ba để cho bức hình được cân đối, chỉ phá vỡ và sáng tạo khi hiểu rõ bố cục và biết mình làm gì.

Tiền cảnh hậu cảnh: Một bức ảnh đẹp kinh điển sẽ có đủ tiền cảnh, hậu cảnh. Một bức ảnh phong cảnh đẹp nên có tiền cảnh để tạo chiều sâu cho bức hình, lưu ý chọn tiền cảnh sao cho không quá sáng và chi tiết làm phân tâm người xem.

Thời khắc chụp: Các cảnh chụp thiên nhiên đẹp là vào lúc bình minh và hoàng hôn, khi đó ánh sáng có độ bão hòa màu cao, không gắt và có hướng giúp ảnh có kịch tính và chiều sâu.

Xác định phong cách chụp: Ðây là yếu tố mang tính cá nhân, xác định phong cách chụp cho riêng mình. Phong cách thợ săn - liên tục di chuyển "bám đuổi ánh sáng" tìm những góc chụp biến thiên khoảnh khắc, cảm hứng mới lạ. Phong cách thợ câu - xác định vị trí chụp và chờ đợi. Người chụp đã biết trước một số vị trí chụp đẹp, nhưng để ấn tượng phải cần các yếu tố phù hợp về thời tiết, khoảnh khắc ánh sáng.
 
Xác định phong cảnh chụp cho riêng mình. Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh.

 
Chụp phong cảnh đòi hỏi di chuyển nhiều và ở trong những bối cảnh khá khắc nghiệt về thời tiết, độ ẩm và bụi, thiết bị có thể hư hỏng bất cứ lúc nào, vì vậy tốt nhất nên mang thêm máy phụ đề phòng trục trặc. Lưu ý bảo quản chống dính nước, cát, bụi và va đập.

Thiết bị tốt nhất là thiết bị bạn đang có trong tay, hãy sử dụng thành thạo và nắm các nguyên tắc căn bản về kỹ thuật và thẩm mỹ, công thêm một chút hậu kỳ, bạn sẽ có những tấm ảnh phong cảnh ưng ý.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhật Thanh
Nguồn tin: vapa.org.vn
 
Page: 1     Lần đọc: 13864 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc