About Us
Main menu
Số truy cập: 80749409
Cha đẻ của ATM : tiến-sĩ Ðỗ-Ðức-Cường.
VN-USPA (07/24/09)


    Giải mã ẩn số

    “Tôi không tin” – đó là câu trả lời của đa số khán giả tại trường quay khi được hỏi “Bạn có tin cha đẻ ATM là người Việt Nam không?”.
    Ai cũng nghĩ đó có thể là người Anh, người Pháp, người Mỹ hay một người nước nào đó nhưng không ai nghĩ đó là người Việt Nam.

    Sự thật là phát minh đó mang tên một người Việt Nam – Ông Ðỗ Ðức Cường.

    Cảm nhận đầu tiên khi được nói chuyện với ông là gần gũi, nhiệt tình và thông thái. Ông luôn trân trọng khi nói chuyện với bất kỳ ai, từ một người nông dân, anh xe ôm đến người tri thức. Bạn có thể nhìn thấy ông say sưa giải thích về các phát minh với một người tri thức mặc com lê, và bạn cũng có thể nhìn thấy một sự say sưa tương tự khi ông nói chuyện với một người nông dân chân đất.

    Thích làm việc ở chân cầu thang để được gặp gỡ mọi người. Trong ví lúc nào cũng có hàng chục thẻ ATM. Là tác giả của trên 50 phát minh và sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, là Ðại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Trở về Việt Nam năm 2003, hiện ông là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Ðông Á.

     
  Ông Ðỗ Ðức Cường trao đổi với nhà báo
Tạ Bích Loan trong trường quay


Chết đói và may mắn của số phận

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Ðức Phổ, Quảng Ngãi. Những năm tuổi thơ nghèo khó. Các anh chị em lần lượt chết vì đói. 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần và sống lại ngay kề miệng huyệt. Sau này ông luôn tự nhủ: “Phải làm giàu, không chỉ bản thân mình giàu có mà mọi người cũng phải giàu có, vì khi mình nghèo thấy số phận hẩm hiu quá!” Có lẽ đó chính là một dấu ấn góp phần tạo nên ý trí vươn lên mạnh mẽ của ông.
 
Từ sinh viên Y khoa thành cha đẻ ATM
"Bí quyết để thành công là đừng đi tìm sự thành công! Hãy tiếp nhận cuộc sống một cách tự nhiên, hãy khen ngợi những cái tốt và hãy sửa sai những cái mình không vừa ý."
TS Ðỗ Ðức Cường

Khởi đầu sự nghiệp học hành tại trường Ðại học Y khoa Sài Gòn. Sau đó chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Ðại học Phú Thọ.
1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Ông được cấp học bổng sang Nhật học tại Ðại học Osaka . Ông vừa đi học vừa làm thêm tại công ty Toshiba.
Một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến Mỹ.

Gặp Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc do ông tổ chức. Ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến Citibank cùng đề nghị: “Dùng kỹ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”.

Ông đưa ra 20 câu hỏi buộc ông chủ của Citibank phải thừa nhận 20 cái sai của ngân hàng và từ chối lời mời làm việc. Sự nhiệt tình, thẳng thắn cùng lời cam kết sẽ ủng hộ ông “lội ngược dòng” của Tổng giám đốc đã thuyết phục ông gia nhập Citibank. Mục tiêu của ông là “bình dân hoá dịch vụ ngân hàng”.

"Ðức tính quan trọng là khiêm tốn, và hãy đặt mình vào người khác để sống."
TS Ðỗ Ðức Cường

Trong thời gian này, ông đồng phát minh ra máy ATM. Ðó chính là một bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực ngân hàng.
 
Trở về Việt Nam

Tháng 6/2003 trở về Việt Nam sau 40 năm để tham gia phiên họp đầu tiên về WTO ở Việt Nam, trợ giúp Seagames 22 và giúp WB làm bản báo cáo về viễn cảnh tốt đẹp của Việt Nam.

Người đầu tiên tìm gặp lại là mẹ. Nỗi buồn sau 40 năm gặp lại mẹ lâm bệnh nặng. Chợt thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa, ông biết rằng “Mẹ chỉ có một trên đời”. Từ bỏ mức lương cả triệu USD/ năm, chấp nhận mất hết cổ phiếu chưa đáo hạn, ông rời Mỹ về Việt Nam để chăm sóc mẹ.


                                                         
                                                   Tiến sĩ Ðỗ Ðức Cường diễn tả ý tưởng của mình


Lời khuyên cho ngành ngân hàng Việt Nam

Trở về Việt Nam cùng mong muốn góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng, đưa ngân hàng đến từng người dân. Ông đã nhận lời làm tư vấn cho nhiều ngân hàng Việt Nam . Theo ông “ngân hàng Việt Nam nói chung có rất nhiều khiếm khuyết: không minh bạch và khó khăn về vốn và nguồn nhân lực”.

Tuy vậy theo đánh giá của ông thì chúng ta cũng có nhiều lợi thế “người Việt, đất Việt, ngân hàng Việt. 83 triệu dân, 47 ngân hàng, 5 triệu tài khoản, 2,5 triệu thẻ”.

Ông Ðỗ Ðức Cường đã tư vấn và đưa ra 4 lời khuyên cho dịch vụ ngân hàng:

  1. Quần chúng hoá dịch vụ ngân hàng, biến ngân hàng thành dịch vụ của cả xã hội chứ không chỉ là câu lạc bộ của người giàu.
  2. Bình dân hoá dịch vụ để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng.
  3. Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ. Ðể phục vụ tốt thì lúc nào cũng phải mỉm cười và coi người sử dụng dịch vụ là người tiêu dùng.
  4. Hiện đại hoá đi từ dân dụng đến chuyên dụng. Ðừng cạnh tranh kỹ thuật mà phải tìm hiểu nhu cầu khách hàng.

Khi được hỏi cái gì là khởi đầu cho những phát minh của ông, ông Cường trả lời: “Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khởi đầu của mọi tìm tòi khám phá của mình đều xuất phát từ cuộc sống. Cuộc sống khó khăn quá, cần cải thiện nó tốt hơn. Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống trước mắt cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình”.

Câu chuyện về ông Ðỗ Ðức Cường là câu chuyện về một con người chân chất, mộc mạc, gần gũi như chính mong muốn của ông: “Ðể cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng”.

 


 
Page: 1     Lần đọc: 86829 Top   Print
Copyright © 2008 - 20012 VNUSPA. | Liên lạc