CUỘC TRIỂN-LÃM ẢNH NGHỆ-THUẬT CỔ-ÐIỂN CỦA NHIẾP-ẢNH-GIA TRẦN-TRÍ. (
02/01/11)
CUỘC TRIỂN-LÃM ẢNH NGHỆ-THUẬT CỔ-ÐIỂN CỦA NHIẾP-ẢNH-GIA TRẦN-TRÍ.
Lê-Ngọc-MINH
Ngày Chủ Nhật 30-1-2011, nhiếp-ảnh-gia Trần-Phấn-Trí (Trần-Trí)
cùng một thân-hữu là nhiếp-ảnh-gia Jim Fitzgerald tổ-chức cuộc triển-lãm
ảnh "Fine Art Photography - Old Processes" tại Phòng Triển-lãm nhật-báo
Người Việt, thành phố Westminster, California.
Nhiếp-ảnh-gia
Trần-Trí triển-lãm 46 ảnh và Jim Fitzgerald 45 ảnh thực-hiện bằng những
phương-pháo cổ-điển, thời nhiếp-ảnh mới khai-sinh. Ông Trần-Trí là
người Việt-Nam đầu tiên và duy nhất theo đuổi phương-pháp nhiếp-ảnh
cổ-điển này.
Giữa phòng bày khoảng 12 cái máy bằng gỗ cỡ lớn bằng
gỗ, đánh vernis màu nâu. Một số máy gỗ do các hãng Mỹ hoặc Nhật
sản-xuất, một số do các nhiếp-ảnh-gia tự làm lấy để dùng những loại phim
có kích thước đặc-biệt ! Trên bàn trưng bày
những ống kính thời xa xưa như Cook, chúng ta chỉ nghe tiếng và thấy
trong hình, nay mới thấy tận mắt, khoảng 20 cm đường kính và dài khoảng
30 cm, nặng như cục đá tảng !
Về hình ảnh thì riêng của ông Trần-Trí có một số điều "hơi khác lạ"
(của Jim cũng vậy !). Vì lẽ các ống kính cổ đều phải chế-tạo bằng tay
(kể cả việc mài từng tấm thấu kính bằng tay) và không có coating nên ảnh
không nét bằng ảnh chụp với ống kính có coating thời nay. Và đó là đặc
điểm của loại máy cũ, của loại nhiếp-ảnh cũ.
Giấy ảnh do ông Trần-Trí tự làm lấy bằng hóa-chất đi mua, pha chế,
tráng lên giấy rồi phủ lên đó một lớp gelatine khá dầy, để khô rồi sau
này in trực tiếp từ phim ra giấy. Nếu nhìn thẳng 90 độ vào ảnh thì là
tấm ảnh 2D bình thường, nhưng nếu nhìn nghiêng khoảng 15 độ (gần như áp
mặt vào tấm hình) thì những chỗ trắng "trông như" nổi ra, chỗ nào đậm
"trông như" lõm vào, nếu giải thích theo kiểu bình dân thì khi rửa giấy
trong hóa chất, chỗ trắng bị "lấy đi ít hóa-chất", chỗ đậm bị "lấy
đi nhiều hóa-chất", nên nhìn quả là có thấy hình nổi, 3D ! Chúng tôi
quan-sát kỹ tấm ảnh chụp cục đá và thấy như vậy. Ảnh chụp cành cây,
thân cây... thì có thấy lằn "trũng" như đường viền hai bên thân cây, hai
bên cành cây,
tạo "cảm-tưởng" 3D.
Ðó quả là thứ hình không giống hình đen trắng mà ta hay chụp.
Nói chuyện cùng ông Trần-Trí thì ông trình bày là những người chơi
ảnh kiểu này tự coi như mình là người của thời nhiếp ảnh mới khai-sinh,
phải dùng máy thô sơ, ống kính thô sơ, ống kính không có màng trập, mình
phải che bằng miếng vải đen hay bằng cái mũ hay cái nắp, khi phô sáng
phải đếm "một ngàn lẻ một", "một ngàn lẻ hai"... là 2 giây; người ảnh
phải "đoán" ánh sáng rồi quy ra khẩu độ, tốc độ... không đo bằng quang
kế ! Khi làm ảnh phải làm lấy giấy, dĩ nhiên phải pha lấy thuốc, phải
xả nước cả 10 lần... rồi mới có tấm ảnh; nếu làm chưa tới hay làm cái gì
lố thì phải quăng tấm đó đi, làm lại. Ông cũng nói hóa-chất thì độc,
phải có quạt hút không khí lên trần thật mạnh, kẻo có thể dễ bị
bệnh !
Nói chung, đây là cuộc triển lãm khá thú vị. Lần đầu tiên chúng
tôi được "thấy" hình loại này bằng xương bằng thịt, còn hình in trong
sách thì thấy đã nhiều, nhưng không thấy nó "nổi 3D".